Thuận lợi cho việc thanh toán liên quan chế độ nghỉ phép
Thứ ba, 22/10/2024 - 14:38
Thời gian qua, chế độ thanh toán tiền nghỉ phép đối với sĩ quan, QNCN, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng (gọi chung là người hưởng lương) được quy định cụ thể tại Thông tư số 13/2012/TT-BQP ngày 21-2-2012 của Bộ Quốc phòng. Để việc thực hiện chế độ thanh toán tiền nghỉ phép cho người hưởng lương triển khai đồng bộ, thuận tiện hơn, ngày 11-3-2024, Bộ Quốc phòng ban hành Hướng dẫn số 869/BQP-TC thống nhất, cụ thể hóa một số nội dung quy định tại Thông tư số 13/2012/TT-BQP.
Một trong những điểm nổi bật của Hướng dẫn số 869/BQP-TC là bổ sung, làm rõ thêm về điều kiện để người hưởng lương được thanh toán tiền đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép năm mà Thông tư số 13/2012/TT-BQP đã quy định trước đó. Cụ thể, Thông tư số 13/2012/TT-BQP quy định người hưởng lương được thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi đi nghỉ phép năm trong các trường hợp: Cơ quan, đơn vị đóng quân tại các địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên hoặc ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; cơ quan, đơn vị đóng quân xa gia đình từ 500km trở lên; gia đình ở đồng bằng mà đóng quân ở vùng núi xa xôi hẻo lánh và ngược lại có khoảng cách từ 300km trở lên.
Đại đội Công binh (Lữ đoàn 405) huấn luyện chuyên ngành
Nội dung này được Hướng dẫn số 869/BQP-TC cụ thể hóa như sau: Địa bàn đóng quân, địa bàn đi nghỉ phép hoặc cả hai địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên; địa bàn đóng quân hoặc địa bàn đi nghỉ phép hoặc cả hai địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực dưới 0,5 và khoảng cách giữa hai địa bàn từ 300km trở lên; giữ nguyên điều kiện địa bàn nghỉ phép có khoảng cách so với địa bàn đóng quân từ 500km trở lên.
Đánh giá việc triển khai thực hiện Hướng dẫn số 869/BQP-TC, Thượng tá Nguyễn Văn Đầy, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 513 cho rằng: “Theo quy định của Thông tư số 13/2012/TT-BQP, trường hợp gia đình ở đồng bằng mà đóng quân ở vùng núi xa xôi hẻo lánh và ngược lại có khoảng cách từ 300km trở lên được thanh toán tiền đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép năm. Quy định này gây khó khăn bởi khó xác định địa bàn nghỉ phép của quân nhân có phải là “vùng núi xa xôi hẻo lánh” hay không. Với Hướng dẫn số 869/BQP-TC, điều kiện trên được cụ thể, rõ ràng hơn thành “địa bàn đóng quân hoặc địa bàn đi nghỉ phép hoặc cả hai địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực dưới 0,5 và khoảng cách giữa hai địa bàn từ 300km trở lên”. Như vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp có căn cứ rõ ràng, từ đó xác định đối tượng được thanh toán tiền đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép năm dễ dàng”.
Hướng dẫn số 869/BQP-TC cũng tạo thuận lợi hơn khi thực hiện thanh toán tiền lương cho những ngày chưa được nghỉ phép hay chưa nghỉ hết số ngày phép năm của quân nhân. Cụ thể, hiện nay, chế độ nghỉ phép năm đối với sĩ quan, QNCN, công nhân và viên chức quốc phòng được quy định cụ thể tại Thông tư số 113/2016/TT-BQP ngày 23-8-2016 và Thông tư số 153/2017/TT-BQP ngày 26-6-2017 của Bộ Quốc phòng. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị không thể bố trí cho sĩ quan, QNCN, công nhân, viên chức quốc phòng nghỉ phép năm hoặc nghỉ chưa hết số ngày phép năm theo quy định thì năm sau chỉ huy đơn vị xem xét, quyết định cho nghỉ bù phép của năm trước. Trường hợp cá biệt, chỉ huy đơn vị vẫn không thể bố trí cho đi nghỉ phép được thì sĩ quan, QNCN, công nhân, viên chức quốc phòng được xem xét, thanh toán tiền lương đối với số ngày chưa nghỉ phép năm theo quy định tại Thông tư số 13/2012/TT-BQP.
Theo đó, trong trường hợp đơn vị không thể bố trí sắp xếp cho nghỉ phép thì sĩ quan, QNCN được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép năm như sau: Các đồng chí đóng quân tại các địa bàn có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên, đơn vị lập danh sách đề nghị chỉ huy từ cấp lữ đoàn xem xét, quyết định cho thanh toán tiền lương những ngày chưa được nghỉ phép năm. Tuy nhiên, không được vượt quá 15% quân số hưởng lương đơn vị. Nếu vượt quá 15% quân số quy định, đơn vị phải lập danh sách đề nghị báo cáo lên cấp trên cho đến chủ tài khoản cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng; khi được chủ tài khoản phê duyệt mới được thực hiện. Chính vì vậy, quá trình thực hiện còn có bất cập do thủ tục nhiều, chậm khiến người hưởng lương lâu được nhận chế độ, tiêu chuẩn.
Trong khi đó, Hướng dẫn số 869/BQP-TC đã mở ra hơn với việc này bằng quy định “Hằng năm, căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, thủ trưởng cơ quan, đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định việc chi trả tiền bồi dưỡng cho người hưởng lương chưa được nghỉ phép hoặc chưa nghỉ đủ số ngày phép của năm theo quy định”. Ngoài ra, hướng dẫn cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị bố trí, sắp xếp thời gian, công việc cho người hưởng lương thuộc đơn vị mình nghỉ phép theo chế độ quy định.
Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị không thể bố trí cho người hưởng lương nghỉ phép trong năm hoặc bố trí không đủ ngày phép trong năm theo quy định thì năm sau xem xét, quyết định cho người hưởng lương được nghỉ bù phép năm trước; chỉ không giải quyết phép cho người hưởng lương trong trường hợp thực sự cần thiết phải giữ lại để phục vụ yêu cầu công tác sẵn sàng chiến đấu. Với hướng dẫn mới này, rất mong chỉ huy các cấp tiến hành giải quyết phép linh hoạt; thực hiện các chế độ thanh toán liên quan đến nghỉ phép bảo đảm đúng quy định, chủ động, nhanh chóng và công bằng; tạo động lực, góp phần động viên quân nhân yên tâm công tác, gắn bó.
TRƯỜNG SƠN