Gặp người chiến sĩ tham gia trận tập kích sân bay Cát Bi 70 năm trước

Thứ sáu, 26/04/2024 - 08:04

Chỉ trong một đêm, với 32 chiến sĩ của Tỉnh đội Kiến An đã tập kích thành công sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay và cắt đứt cầu hàng không lớn nhất của thực dân Pháp tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Chiến thắng Cát Bi cũng góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự thất bại của Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

70 năm trôi qua, dù đã 91 tuổi nhưng “Dũng sĩ Cát Bi”- Trung tá Nguyễn Thế Phim ở xã Bắc Hưng (huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) vẫn rất mẫn tiệp và kể lại tường tận những ký ức hào hùng của chiến thắng năm ấy. Lúc đó, cụ Phim đang là chiến sĩ của Đại đội 295 thuộc tỉnh Kiến An đã cùng với đơn vị tham gia nhiều trận đánh chống càn, phá bốt ở trong và ngoài khu địch tạm chiếm.

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Phim kể lại diễn biến của trận tập kích sân bay Cát Bi

Gần Tết Nguyên đán năm 1954, Đại đội 295 được lệnh huấn luyện và luyện tập những bài tập khá đặc biệt như chạy trên ruộng cày, bơi vượt sông giỏi, vác súng chạy đường trường. Lúc đầu luyện tập anh em cũng chưa biết cụ thể thế nào mãi đến sau này khi được cấp trên phổ biến sẽ đánh sân bay Cát Bi mới hiểu được tại sao phải tập luyện như vậy. Để phục vụ cho mưu đồ tiếp viện mọi mặt cho cứ điểm Điện Biên Phủ nơi rất xa với vùng chiếm đóng của Pháp nên sân bay Cát Bi đã trở thành một đầu cầu chủ yếu để trực tiếp chi viện cho Điện Biên. Điều đó, khiến địch tổ chức phòng vệ rất nghiêm ngặt, kiên cố với lực lượng thời điểm đông nhất lên tới 7 tiểu đoàn, hàng chục đồn bốt, tháp canh, gần chục hàng rào dây thép gai, bãi mìn cùng nhiều đèn pha chiếu quét đêm cũng như ngày. Ở vòng ngoài, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sân bay, thực dân Pháp xua đuổi, cưỡng ép nhân dân ta bỏ nhà, bỏ làng để dựng một vành đai trắng xung quanh. Đồng thời bố trí hệ thống đồn bốt dọc đường 14 đi Đồ Sơn nhằm bảo vệ  từ xa. Với sự bố phòng chặt chẽ đó cộng thêm với địa thế nằm sâu trong hậu phương của địch, 3 mặt giáp sông, biển nên thực dân Pháp đã từng tự tin tuyên bố rằng một con chuột nhắt cũng không chạy qua được Cát Bi.

Để đối phó với sự bố phòng của địch, cấp trên đã chủ trương sử dụng một lực lượng nhỏ được trang bị gọn nhẹ nhưng tinh nhuệ, thiện chiến, táo bạo tập kích thẳng vào sân bay. Cũng từ đó mà 32 chiến sĩ ưu tú nhất đã được lựa chọn với nòng cốt từ lực lượng của Đại đội 295 tổ chức thành 2 mũi đánh vào hướng Đông Nam sân bay và được huấn luyện sát với yêu cầu trận đánh.

Cụ Phim nhớ lại: “Chúng tôi khi ấy hành quân, có đêm chạy đến 30km, rồi tập bơi vượt sông có mang theo vũ khí, bộc phá; tập cách tiếp cận địch, ngụy trang, cắt rào, gỡ mìn, động tác ẩn nấp khi đèn pha địch quét và tập cách đánh máy bay… Thời gian đầu do hình dung máy bay rất cao, anh em tập đứng chồng hai, ba người lên nhau để có thể đạt độ cao gắn bộc phá vào máy bay. Sau trận đánh sân bay Đồ Sơn, do đã có kinh nghiệm nên nội dung chồng người như diễn xiếc được bỏ và thay vào đó là sáng kiến gắn thủ pháo vào chiếc móc treo như chiếc ô để dễ gài vào phần thân và cánh của máy bay làm tăng sự phá hủy khi kích nổ. Sau quá trình luyện tập công phu, tối ngày 05/3/1954, 32 chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Thừa Giao và Đỗ Tất Yến nhận lệnh xuất phát”.

Cụ Phim và các đồng chí được nhân dân chở thuyền từ xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng vượt sông Văn Úc sang xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy rồi từ đó bơi qua sông Đa Độ sang xã Minh Tân. Cả đoàn đi bộ đến tờ mờ sáng hôm sau thì xuống hầm bí mật tại các cơ sở cách mạng ở thôn Hợp Lễ, xã Hòa Nghĩa, huyện Kiến Thụy nằm chờ. Sau 14 tiếng, bộ đội lên khỏi hầm, tập trung tại đầu làng Hòa Nghĩa để cấp trên kiểm tra vũ khí, nhắc lại nhiệm vụ. Khoảng gần 8 giờ tối ngày 06/3, cả đội tiếp tục hành quân men theo đường 14, vượt sông Lạch Tray, men theo đường vòng dài hơn 10 km để tiếp cận sân bay Cát Bi. Theo cụ Phim kể, 32 người chạy như bay trên những cánh đồng lầy lội, theo chân nữ du kích dẫn đường, đúng như những gì đã được tập luyện trước đây. Đến gần hàng rào thứ nhất, tổ quân báo lên cắt một lỗ nhỏ cho anh em chui vào và cứ thế các lớp hàng rào dần dần mở ra và các chiến sĩ theo tổ cứ thế tiến lên áp sát tới vị trí máy bay.

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Phim kể tiếp: “Khoảng 0 giờ 45 phút, khi cả hai mũi đã triển khai xong đội hình, tất cả thành hàng ngang đối diện với đường băng nơi máy bay đỗ thì bất ngờ có một tốp lính Âu Phi đi tuần tra, buộc chúng tôi phải nổ súng tiêu diệt rồi xông vào khu máy bay đang đỗ nổ thủ pháo phá hủy máy bay. Hàng loạt tiếng nổ làm chấn động cả một vùng, lửa cháy sáng rực. Tôi cũng xông lên nhanh chóng phá được 3 chiếc. Sau khoảng 15 phút, 59 máy bay chiến đấu và vận tải bị phá hủy. Quân Pháp điên cuồng vãi đạn, thả đèn dù, pháo sáng tìm mục tiêu. Tôi và các đồng đội chạy về phía sông Lạch Tray rồi được thuyền của dân đón về vùng tự do Tiên Lãng”.

Từ trận tập kích sân bay Cát Bi, cựu chiến binh Nguyễn Thế Phim vô cùng tự hào nhất là được “chia lửa” kịp thời cho chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.  

Anh Dũng