Không thể bôi đen đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam

Thứ ba, 19/12/2023 - 13:43

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của đồng chí Tập Cận Bình, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả hai Đảng, hai nước. Hai bên đều coi đây là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng. Việt Nam xác định quan hệ với Đảng, Nhà nước Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tuy nhiên những ngày qua, trên các trang mạng xã hội của các phần tử cơ hội chính trị như: Việt Tân, Tiếng Dân News, RFA, VOA Tiếng Việt, Nguyễn Văn Đài,… ra sức suy diễn, bịa đặt và xuyên tạc chuyến thăm hữu nghị này. Bởi, bản chất của họ là khi thấy tình hình đất nước yên ổn, thì lại “bới lông tìm vết”, tung tin kích động, xuyên tạc để nói xấu chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

ảnh minh họa/nguồn Internet

Phân tích, đánh giá về kết quả chuyến thăm, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông của Việt Nam, Trung Quốc và quốc tế đều có chung nhận định: Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã thành công tốt đẹp, đạt được nhiều kết quả lớn, thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cũng như đối với uy tín của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trên sơ sở quan hệ truyền thống hai Đảng, hai Nước với phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, cũng như sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã nhất trí tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc; nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

 Cùng với đó, lãnh đạo hai Đảng, hai Nước cũng nhất trí thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hai nước dựa trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế, các chuẩn mực của quan hệ quốc tế, nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình. Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện. Tuyên bố chung đã đề ra 06 phương hướng hợp tác lớn trong thời gian tới, bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Hai bên đã ký 36 văn kiên hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ở các cấp Trung ương và địa phương, tạo khuôn khổ quan hệ hợp tác lâu dài, làm phong phú nội hàm hợp tác giữa hai nước.

Qua chuyến thăm lần này, Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực, nhất là đường lối đối ngoại của Việt Nam, trong đó có “ngoại giao cây tre”, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, hơn 30 nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; 06 nước là đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản). Những kết quả trên đã khẳng định, dù các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị có ra sức xuyên tạc cũng không thể bôi đen được đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Nguyễn Thanh