Ngăn chặn những tác động xấu đối với thanh niên trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự

Thứ ba, 26/03/2024 - 08:56

Lợi dụng tâm lý, lứa tuổi thanh niên dễ tiếp cận “cái mới”, nhưng nhận thức các vấn đề chính trị-xã hội lại chưa đủ độ chín, những năm gần đây các thế lực thù địch dùng đủ mọi thủ đoạn, chiêu trò xuyên tạc về Luật Nghĩa vụ Quân sự (NVQS) và quá trình thanh niên thực hiện NVQS. Những hoạt động, việc làm này của các thế lực thù địch là nhằm lôi kéo, kêu gọi thanh niên “tẩy chay” nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc.  

Vậy những thủ đoạn, chiêu trò đó là gì? Chúng ta phải ngăn chặn những tác động xấu đó như thế nào để thanh niên không mắc mưu kẻ xấu, luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, hăng hái thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối nhiệm vụ Tổ quốc?

Bài 1: “Ma trận” thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội

Như một thông lệ, cứ vào dịp chuẩn bị cho mùa tuyển quân ở các địa phương và thời điểm các đơn vị Quân đội tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới là trên không gian mạng nhan nhản những bài viết, clip hình ảnh bôi nhọ, xuyên tạc hoạt động tuyển quân và môi trường quân ngũ. Dù không ai là không biết đó là những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, song tần suất thông tin ngày càng tăng của những “đòn hiểm” để “thao túng tâm lý” cũng phần nào ảnh hưởng đến nhận thức, tình cảm, trách nhiệm của một bộ phận nhân dân trong xã hội, nhất là với giới trẻ.

Chú thích ảnh: Các thế lực thù địch xuyên tạc việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự của thanh niên trên mạng xã hội (Ảnh nguồn Internet)

Là người thạo công nghệ khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những ngày trước khi lên đường nhập ngũ, em Lê Hồng Văn, ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng thường xuyên lên lên mạng để tìm hiểu sâu hơn về môi trường quân ngũ. Chỉ một từ khóa “môi trường quân ngũ”, Văn tìm kiếm trên Google đã cho ra khoảng 112 triệu kết quả trong 0,30 giây. Tìm kiếm trên Youtube, Facebook… Văn cho biết, em thấy hàng trăm nghìn video, bài viết đăng tải về cuộc sống quân ngũ. Đây thực sự là nguồn thông tin rất phong phú, hữu ích giúp những thanh niên như em hiểu hơn về môi trường sắp tới mình sẽ sống, học tập và công tác. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều thông tin làm “vẩn đục” về hình ảnh người bộ đội, nhất là phần bình luận của những người tham gia tương tác. Trong đó, nội dung nhận được nhiều lượt like, thả tim, bình luận lại đến từ các dòng trạng thái, video, ảnh chế về lính cũ bắt nạt lính mới, về những hình phạt quân phiệt… khiến em có những lo lắng. Mối lo ấy được Văn nhìn nhận: “Bây giờ mạng xã hội rất phát triển, không chỉ em mà nhiều người cũng lo lắng khi xem các thông tin xấu độc trên mạng xã hội về môi trường quân ngũ. Trước khi nhập ngũ, có bạn còn liên tục gửi link video vào tài khoản mạng xã hội của em về tình trạng quân phiệt và video bày cách “trốn lính” với những chiêu trò tiểu xảo để “trượt ngay từ vòng gửi xe” trong khám sức khỏe. Tuy nhiên, vì là “dân công nghệ” nên em biết ngay những video này đã bị cắt ghép, chỉnh sửa, chèn những thông tin xấu”.

Cùng tìm hiểu về môi trường quân ngũ thông qua mạng xã hội, chiến sĩ mới Trương Đình Quang, quê ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với chúng tôi về những lần em vào “ma trận” tuyên truyền, chống phá Luật nghĩa vụ quân sự của các thế lực thù địch. Chiến cho biết: “Một trong những thực tế đáng buồn là những video clip ngụy tạo, bóp méo sự thật, nói xấu quân đội đăng trên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Twitter, Facebook của các tổ chức phản động “Việt Tân”, “Tiếng dân”… lại nhận được khá nhiều sự quan tâm của giới trẻ, trong đó có không ít những bình luận với lời lẽ “phản cách mạng”. Không chỉ cắt ghép, ngụy tạo, các tổ chức phản động còn lợi dụng mạng xã hội để để đăng trực tiếp các buổi tọa đàm, phỏng vấn, lấy ý kiến người trẻ mà trong đó chúng sắp xếp sẵn những đối tượng thanh niên là người Việt Nam ở nước ngoài có tư tưởng chống đối cách mạng để gieo rắc, truyền tải tư tưởng phản động. Từ ý kiến cá nhân trên một số diễn đàn, chúng kêu gọi thanh niên trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, cho rằng “vào Quân đội là phí hoài tuổi trẻ”; “nhập ngũ sẽ bị đánh đập”… Là người Đảng viên, em hiểu được trong quá trình thực hiện âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch luôn tập trung xuyên tạc những giá trị truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhất là xuyên tạc về lòng trung thành tuyệt đối của Quân đội ta với Đảng, với Nhà nước và nhân dân; xuyên tạc mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế của quân đội với những lời lẽ hết sức phản động nhằm thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội, hòng làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của quân đội, làm phai mờ hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân”.

Vào mỗi mùa tuyển quân hàng năm, nhất là thời điểm Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các địa phương phát lệnh gọi khám sơ tuyển, khám tuyển thì số lượng video, bài viết trên mạng xã hội của các thế lực phản động xuyên tạc Luật Nghĩa vụ quân sự và kêu gọi thanh niên “tẩy chay” lên đường nhập ngũ càng nhiều. Có những video về những vụ việc từ nhiều năm trước, được cơ quan chức năng điều tra, kết luận rõ ràng nhưng được chúng cắt ghép, chỉnh sửa, bịa đặt như thông tin vừa mới xảy ra để tạo hoang mang trong dư luận. Chúng thường xuyên có chiêu trò lợi dụng một sự vụ không đáng có xảy ra trong Quân đội như quân nhân vi phạm giao thông, vay nợ xấu… quy chụp hiện tượng thành bản chất để bôi nhọ danh dự Quân đội. Nham hiểm, đê hèn hơn, bọn phản động còn “biến không thành có”, sử dụng hình ảnh một số trường hợp quân phiệt ở nước khác, gán ghép, dựng chuyện là xảy ra ở trong Quân đội Nhân dân Việt Nam với mục đích không gì ngoài làm giảm lòng tin của nhân dân với Quân đội. Mang những nội dung này ra trao đổi với các chiến sĩ mới ở Lữ đoàn Pháo binh 454, chúng tôi nhận được phản hồi khá tích cực. Các chiến sĩ mới đều cảm nhận Quân đội được xem là xã hội thu nhỏ, mà xã hội thì không tránh khỏi có những “con sâu làm rầu nồi canh”, không thể quy chụp hiện tượng thành bản chất, từ đó xác định tốt tâm lý, nỗ lực cố gắng trong thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

                                                                                         Trần Ngọc