Những “cơn gió ngược” đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Thứ năm, 07/11/2024 - 09:44
Tình trạng trì trệ kéo dài của một số nền kinh tế lớn, rủi ro địa chính trị và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ là những “cơn gió ngược” tác động đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, China Daily dẫn báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay.
Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu được công bố nửa năm một lần, IMF nhận định, cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu về cơ bản đã thắng lợi. Nền kinh tế toàn cầu đã hạ cánh thành công. Các chính sách thắt chặt tiền tệ giúp kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái. IMF dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025. Đồng thời, lạm phát dự kiến sẽ giảm còn 3,5% vào cuối năm 2025 sau khi đạt đỉnh 9,4% hồi quý III-2022. Ở hầu hết các quốc gia, lạm phát hiện đang ở gần mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, từ đó mở đường cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ trên diện rộng.
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở Tennessee, Mỹ
Song theo IMF, dù lạm phát giảm trên toàn cầu nhưng các rủi ro vẫn gia tăng và hiện đang chi phối triển vọng kinh tế. “Rủi ro đang ngày càng gia tăng theo chiều hướng xấu”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF phát biểu trong một cuộc họp báo. Ông Gourinchas nhấn mạnh rằng, rủi ro địa chính trị, với khả năng leo thang xung đột khu vực có thể ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa, trong khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, các chính sách bảo hộ, sự gián đoạn trong thương mại cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Trong báo cáo, IMF nêu khả năng giá dầu và các mặt hàng khác tăng đột biến nếu xung đột ở Trung Đông và Ukraine lan rộng. Bên cạnh đó, IMF cũng lưu ý đến khả năng tăng mạnh thuế xuất, nhập khẩu và các biện pháp đáp trả giữa Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc từ năm sau.
Ngoài ra, tổ chức này cũng cảnh báo về vấn đề nợ công. Theo dự báo, tổng nợ công toàn cầu sẽ lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mức 100 nghìn tỷ USD vào cuối năm nay. Con số này tương đương 93% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu. Điều này cho thấy “quả bom” nợ công đang ngày càng đè nặng lên nền kinh tế thế giới.
IMF kêu gọi các chính phủ đưa ra những quyết định cứng rắn để ổn định việc vay nợ. Các nhà kinh tế của IMF cho rằng, áp lực từ cuộc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn, hỗ trợ dân số già hóa và tăng cường an ninh khiến triển vọng nợ nghiêng nhiều về hướng tăng. “Kịch bản xấu” là nợ công toàn cầu có thể đạt 115% GDP chỉ trong vòng 3 năm tới, cao hơn 20 điểm phần trăm so với dự kiến hiện tại.
Về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm tới, IMF dự báo Mỹ tiếp tục là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng vượt xa các nền kinh tế phát triển khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Tăng trưởng của Mỹ được dự đoán sẽ tăng vọt lên 2,8% trong năm nay, được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, tại khu vực đồng euro, mọi thứ lại phức tạp hơn. Khu vực này được dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,8% trong năm 2024. Tình hình khó khăn nhất ở các quốc gia mà sản xuất đóng vai trò trung tâm, chẳng hạn như Đức (dự báo tăng trưởng bằng 0 trong năm 2024), trong khi các quốc gia có nền kinh tế định hướng dịch vụ nhiều hơn ở khu vực Nam Âu và thậm chí là Pháp có triển vọng kinh tế khả quan hơn (dự báo tăng trưởng 1,1% trong năm nay).
Khu vực châu Á tiếp tục là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực này có mức tăng trưởng dự báo là 5,3% trong năm nay và 5% trong năm sau. Ấn Độ được đánh giá cao với mức tăng trưởng dự kiến mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn, đạt 7% vào năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. Với Việt Nam, IMF dự báo tăng trưởng đạt 6,1% trong năm nay và năm sau, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Có thể thấy, với những dự báo mới nhất, lo ngại về khả năng kinh tế suy yếu trên diện rộng sau đại dịch đã được xua tan. Nói cách khác, đây là tin tốt. Nhưng trong trung hạn, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ khó thoát khỏi ngưỡng tăng trưởng “bình bình”. Bà Petya Koeva Brooks, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của IMF cho biết: "Thông tin không mấy tích cực là trong trung hạn, tăng trưởng có thể vẫn bị hạn chế, chỉ ở mức 3,1%”.
Theo tính toán của IMF, mức tăng trưởng trung bình hằng năm từ nay đến cuối thập kỷ có thể thấp hơn 1% so với mức tăng trưởng từ năm 2000 đến 2019. Hiện tại, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà hoàn tất nửa thập kỷ tăng trưởng yếu nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Bởi vậy, một nửa thập kỷ tăng trưởng yếu nữa có thể sẽ làm xói mòn nghiêm trọng mức sống cũng như đe dọa sự ổn định tài chính và xã hội.
Để giảm thiểu các rủi ro này và thúc đẩy tăng trưởng, nhà kinh tế trưởng Gourinchas cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần điều chỉnh các công cụ và xoay trục chính sách trong 3 lĩnh vực: Thứ nhất là trong chính sách tiền tệ vốn đã và đang được thực hiện; thứ hai là chính sách tài khóa và thứ ba, cũng là lĩnh vực khó nhất, đó là hướng tới cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo QĐND