Những thách thức lớn với người kế nhiệm Tổng thư ký NATO

Thứ ba, 02/07/2024 - 15:21

Với sự nhất trí của 32 quốc gia thành viên, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan Mark Rutte được xác định là người kế nhiệm Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khi ông hết nhiệm kỳ vào tháng 10 năm nay.

Theo Politico, ông Rutte là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, người đã điều hành nền kinh tế lớn thứ năm Liên minh châu Âu (EU) trong 14 năm. Ông có sự từng trải nổi bật trên chính trường, kỹ năng đàm phán, giao tiếp khéo léo, cùng các mối quan hệ rộng khắp ở cả khu vực châu Âu và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, ông cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của các quốc gia thành viên NATO vì thời gian qua luôn đi đầu trong việc hậu thuẫn Ukraine.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan Mark Rutte (bên phải) được xác định là người kế nhiệm Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (bên trái).

Ở thời điểm mà NATO phải đối mặt với những thách thức lớn như hiện nay, gánh nặng đặt lên vai người lãnh đạo mới của liên minh là vô cùng nặng nề. Trang Politico đã liệt kê những thách thức lớn với Tổng thư ký NATO tiếp theo, trong đó đầu tiên phải kể tới khả năng duy trì sự ủng hộ của NATO đối với Ukraine, bất chấp chi phí gia tăng và tình hình xung đột kéo dài, đồng thời cũng phải tránh những động thái leo thang có thể đẩy NATO vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.

Cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Kurt Volker đánh giá: “Một trong những trọng trách của ông Mark Rutte trên cương vị mới sẽ là làm thế nào để thống nhất được lập trường liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, đặc biệt là các quốc gia Trung và Đông Âu, cũng như làm thế nào để các quốc gia đồng minh chi tiêu đủ cho quốc phòng, bao gồm cả Hà Lan. Ông đã lãnh đạo Hà Lan trong hơn một thập kỷ và Hà Lan chưa bao giờ chi đủ cho quốc phòng. Điều này đồng nghĩa với việc ông ấy tiếp quản vị trí Tổng thư ký NATO vào một thời điểm rất khó khăn và hoài nghi".

Để chứng minh năng lực trên cương vị mới, ông Rutte cần phải giải bài toán về chi tiêu quân sự của các quốc gia thành viên. Năm 2014, NATO đặt mục tiêu trong vòng một thập niên, tất cả nước thành viên sẽ chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)/năm cho quốc phòng. Nhưng đến năm ngoái, mới chỉ có 11 quốc gia thành viên đáp ứng mục tiêu này. Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong năm nay, dự báo sẽ có 23 thành viên NATO đạt được mục tiêu phân bổ ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Tuy vậy, vẫn còn gần 1/3 số thành viên liên minh chưa đạt được mục tiêu, dù đã đưa ra lời cam kết đó cách đây 10 năm.

Ngoài vấn đề ủng hộ Ukraine và chi tiêu quốc phòng, ông Rutte có thể phải đối mặt với loạt thách thức từ ông Donald Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa và là đối thủ của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng hoài nghi về giá trị của NATO, thậm chí còn thảo luận về việc rút Mỹ khỏi NATO hoặc thu hẹp đáng kể cam kết của Mỹ với khối này. Ông cũng không ít lần chỉ trích dữ dội các nước NATO vì chi quá ít cho quốc phòng và đe dọa cắt viện trợ cho Ukraine nếu trở lại Nhà Trắng. Một tháng sau khi ông Rutte bắt đầu công việc mới ở NATO, cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống. Nếu ông Trump tái đắc cử, nhiều khả năng kế hoạch của NATO về việc kết nạp Ukraine trong tương lai sẽ bị chệch hướng.

Đây cũng là lý do trang tiếp theo trong sự nghiệp chính trị của ông Rutte được dự báo sẽ không phải là con đường trải hoa hồng. Nhiệm vụ chính của ông sẽ là cân bằng các lợi ích giữa 32 thành viên NATO để tổ chức này có thể mang tiếng nói thống nhất. Hiện nay, nhiều quốc gia ở sườn Đông NATO bất bình về mức chi tiêu quốc phòng thấp của Hà Lan và không hài lòng khi vị trí lãnh đạo liên minh nhiều năm thuộc về công dân một quốc gia Tây Âu hoặc Bắc Âu. Những quốc gia này có thể sẽ gây áp lực để đưa đại diện của họ vào vị trí Phó tổng thư ký NATO và các chức vụ trợ lý Tổng thư ký. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ông Rutte với tư cách người đứng đầu NATO là chỉ định cấp phó có năng lực và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, tránh ảnh hưởng đến sự gắn kết nội bộ của liên minh.

Khi còn là Thủ tướng Hà Lan, ông Rutte vẫn thường đạp xe từ nhà đến văn phòng. Đôi khi, người dân có thể thưởng thức tài năng âm nhạc của Thủ tướng Hà Lan khi ông ngồi chơi piano ở nhà ga trung tâm The Hague. Với vai trò là Tổng thư ký NATO trong vài tháng tới, ông Rutte có lẽ sẽ phải trở nên nghiêm túc và cứng rắn hơn, nhưng có một điều chắc chắn rằng, công việc mới của ông sẽ không hề nhàm chán.

Theo QĐND