Tầm nhìn của Đảng và Bác Hồ đối với sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam

Thứ hai, 07/10/2024 - 08:57

LTS: Cách đây 80 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, luôn là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân làm nên những thắng lợi vĩ đại, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để tuyên truyền sâu rộng, toàn diện về sự kiện có ý nghĩa lịch sử, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), kể từ số báo này, Báo Quân khu mở Chuyên mục “80 năm tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”. Chuyên mục đi sâu làm rõ về sự ra đời, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; những đóng góp to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng; ý nghĩa của Ngày hội Quốc phòng toàn dân; yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tầm nhìn của Đảng và Bác Hồ đối với sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, quân đội ra đời gắn với sự xuất hiện của nhà nước, là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp. Trung thành với học thuyết Mác - Lênin, vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (tháng 2/1930), Đảng ta chỉ rõ: “Đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, xây dựng chính phủ công nông binh, “tổ chức ra quân đội công nông”. Luận cương tháng 10/1930 của Đảng tiếp tục khẳng định: “Võ trang bạo động không phải là một việc thường, chẳng những là theo hình thế trực tiếp cách mạng, mà lại phải theo khuôn phép nhà binh”. Về quân sự: “Mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động. Vậy ngay từ bây giờ Đảng phải tổ chức bộ quân sự của Đảng để làm cho đảng viên được quân sự huấn luyện; giúp cho công nông hội tổ chức đội tự vệ”.

Những quan điểm trên là cơ sở lý luận và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng giai đoạn 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh là cơ sở thực tiễn vững chắc hình thành đường lối quân sự của Đảng. Trong thực tiễn đấu tranh đó, nhiều đội tự vệ Công nông (Tự vệ đỏ) với vũ khí thô sơ và một số vũ khí cướp được của địch đã ra đời, với nhiệm vụ chống địch khủng bố và bảo vệ chính quyền Xô viết những nơi mới thành lập. Tuy nhiên, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã bị thực dân Pháp tàn sát, khủng bố hết sức dã man. Để bảo vệ quần chúng, giữ vững khí thế đấu tranh, tháng 1/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ thị cho các Xứ ủy bốn công tác cần kíp phải làm ngay, trong đó nhấn mạnh: “Một vấn đề rất quan trọng cho sự đấu tranh của quần chúng công nông bây giờ là vấn đề tổ chức Đội tự vệ của Công nông... Các đảng bộ phải góp sức với Công, Nông hội mà hết sức hô hào cổ động thật rộng trong quần chúng ý nghĩa và sự lợi ích của đội tự vệ, đem những phần tử hăng hái tranh đấu, can đảm... tổ chức ra những đội ấy... Đội tự vệ không phải tổ chức trong một lúc tranh đấu rồi giải tán đi, mà phải duy trì khuếch trương ra làm một lực lượng vĩnh viễn của quần chúng”.

Quang cảnh thời điểm đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II

Tháng 3/1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng, cùng với nghị quyết về những vấn đề thuộc đường lối cách mạng, Đại hội có nghị quyết riêng về Đội tự vệ, nhấn mạnh: “Luôn luôn phải giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong tự vệ thường trực”. Nghị quyết về Đội tự vệ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành tư tưởng quân sự của Đảng thời kỳ mới thành lập. Lần đầu tiên, những nguyên tắc xây dựng về chính trị cũng như về quân sự của lực lượng vũ trang cách mạng đã được đề ra một cách cơ bản và tương đối toàn diện. Những nguyên tắc ấy thể hiện quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin về việc xây dựng lực lượng vũ trang, là cơ sở cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng ta sau này.

Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và trên cơ sở nhận định và phân tích tình hình, nhấn mạnh vấn đề giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, chủ trương phát triển lực lượng tự vệ “thật sự to, đủ dũng cảm và điềm tĩnh, khôn khéo và hy sinh bảo vệ quần chúng”, trong tương lai sẽ xây dựng “quốc dân cách mạng quân”.

Tháng 9/1940, Nhật chiếm Đông Dương, đất nước ta lúc này cùng lúc có hai kẻ thù là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Không cam chịu cảnh lầm than nô lệ, nhân dân đã anh dũng liên tiếp đứng lên tranh đấu. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Đây là tiếng kèn báo hiệu một thời kỳ mới của cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quân du kích Nam Kỳ ra đời trong những ngày sôi sục khí thế cách mạng - đó là một trong những lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Quân đội ta.

Ngày 8/2/1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trở về nước hoạt động đã chủ trì Hội nghị Trung ương 8 tại Pắc Po (Cao Bằng). Hội nghị là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển, hoàn thiện những quan điểm của Đảng về vũ trang khởi nghĩa ở Việt Nam. Quyết định xây dựng các tổ chức chính trị sâu rộng trong quần chúng, thành lập căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang để chuẩn bị tranh thủ thời cơ, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị đã định ra “Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc”, đây là văn kiện chính trị - quân sự cơ bản của Đảng xác định rõ vị trí và mối quan hệ của đội trưởng, đoàn trưởng và chính trị viên, đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển công tác đảng, công tác chính trị của các lực lượng vũ trang nhân dân. Thực hiện chủ trương trên, ngày 14/2/1941, tại khu rừng Khuổi Nọi thuộc xã Vũ Le (châu Bắc Sơn, Lạng Sơn), đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ cứu nước cho Đội du kích Bắc Sơn. Sau đó, Đội du kích Bắc Sơn mang tên Cứu Quốc quân. Ngày 15/9/1941, Trung đội Cứu Quốc quân thứ hai được thành lập tại rừng Khuôn Mánh (thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, Vũ Nhai).

Năm 1944, tình hình chiến tranh thế giới lần thứ II có nhiều chuyển biến mau lẹ, ở Việt Nam, mâu thuẫn Nhật - Pháp ngày càng căng thẳng. Nắm bắt được tình hình, tháng 2/1944, Trung ương Đảng cử đồng chí Hoàng Quốc Việt lên kiểm tra tình hình tại căn cứ địa Việt Bắc và đã chỉ đạo chia Khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai thành hai phân khu A và B; quyết định phát triển thêm lực lượng vũ trang cách mạng tại hai phân khu. Theo chủ trương đó, ngày 25/2/1944, tại Khuổi Kịch thuộc châu Sơn Dương (Tuyên Quang), Trung đội Việt Nam Cứu Quốc quân thứ 3 được thành lập. Hoạt động mạnh mẽ của các đội Cứu Quốc quân đã đưa cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng của nhân dân ta phát triển lên một bước mới.

(còn nữa)

BAN BIÊN TẬP