Tết xưa của mẹ
Thứ tư, 07/02/2024 - 08:21
Như một mặc định, mỗi khi nghĩ về Tết, lòng tôi lại nghĩ về mẹ. Ý nghĩ ấy bao giờ cũng bắt đầu từ sự chắt chiu, dành dụm của mẹ dành cho Tết. Với nhiều người bây giờ, việc chuẩn bị một cái Tết không quá mất nhiều thời gian, công sức nhưng với mẹ tôi thuở ấy, chuẩn bị cho Tết là cả một hành trình, có khi mất đến cả gần nửa năm. Mỗi lần nhớ lại điều đó, tôi lại nghe lòng mình nghẹn ứ.
Mỗi năm, cứ qua rằm Trung thu, nhất là từ sau khi gặt lúa mùa, mẹ tôi đã bắt đầu hướng về Tết một cách bền bỉ mà tha thiết với những việc làm thật tỉ mỉ và nhỏ nhặt. Nghe có ai đó đi chợ mạn ngược là thế nào mẹ cũng gửi mua cho bằng được một ít măng khô, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, chè khô. Cũng chẳng nhiều đâu, chỉ đủ dùng trong vài ba ngày Tết thôi nhưng mỗi lần phơi phóng, buộc bịn, cất giữ, tôi lại thấy mẹ mỉm cười đầy mãn nguyện. Nhà tôi có một thửa ruộng phần trăm khoảng mười thước, vụ mùa nào cũng được mẹ dành riêng để cấy lúa nếp cái hoa vàng. Khi lúa đã được gặt về, thóc đã phơi vàng óng trên sân thơm nồng, mẹ tôi lại dặn mấy chị em tôi trông nom, đảo thóc rất cẩn thận, nhất là không được để lẫn với thóc tẻ được phơi cùng trong sân. Rồi mẹ tính toán, đong đếm, phần nhiều là phải bán đi để trang trải, còn lại được cất đi để dành đến Tết. Năm nào nhiều thì mẹ dành được một nồi gạo nếp. Lúc gạo Tết đã được sát mang về đựng trong thúng vào những ngày giáp Tết, mẹ cứ vốc gạo trong lòng tay, lật từ tay bên này sang tay kia, ánh mắt ngời lên lấp lánh trước vốc gạo trắng ngần, mười hạt như nhau cả mười, căng tròn thơm thảo. Số gạo ấy, qua bàn tay của mẹ sẽ thành bánh chưng, bánh dợm, bánh tro, bánh gai... với bao nhiêu sắc màu và hương vị gọi mời trong dịp Tết. Tôi và bọn trẻ trong ngõ chẳng năm nào không khoe những thứ bánh có trong nhà mình một cách đầy mãn nguyện.
Ảnh minh họa
Năm nào mẹ tôi cũng nuôi một đàn gà để đợi Tết. Có mấy lứa gà nở từ tháng tám đến tháng mười, mẹ tôi đều để nhà nuôi. Mỗi buổi chiều, khi đàn gà đã trở về từ cánh đồng sau nhà, mẹ tung từng nắm thóc đất ra góc sân, nơi có mấy gốc cau và gọi: Chích…chích… Hình như chỉ đợi tiếng mẹ gọi là đàn gà chạy ùa cả lại. Chúng quây tròn quanh bãi thóc mẹ vãi mà tranh giành, xô lấn, con nào con nấy phổng phao, chắc nịch, đủ sắc màu, vóc dáng. Sôi động nhất phải kể đến đám gà trống trổ mã rực rỡ, khoe những cái mào đỏ chót, không rời mấy chị gà mái hoa mơ duyên dáng. Mẹ tôi ngắm đàn gà và lẩm bẩm đếm: Một đôi, hai đôi, ba đôi... và thế nào cũng sắp xếp nhiệm vụ cho từng con gà trên sân. Con nào để bán, con nào để cúng giao thừa, con nào để biếu, để cho... đều được mẹ tính toán chu đáo. Nụ cười của mẹ bừng sáng trong bóng hoàng hôn giữa lúc nhúc đàn gà đợi Tết.
Nhà tôi có một bãi đất vỡ hoang ven đê, cách nhà một đoạn không xa. Những tháng gần Tết, mẹ thường gọi chúng tôi ra làm đất, trồng và chăm các loại rau củ. Mẹ chia bãi đất thành nhiều luống nhỏ, mỗi luống mẹ trồng một loại cây. Chỗ này là cải bắp, chỗ kia là su hào, cà chua, xà nách, hành hoa, rau mùi, rau cải... Thôi thì đủ cả. Bãi rau ấy đã gom bao nhiêu buồn vui, chờ đợi của mẹ mỗi dịp Tết về. Khoảng đất ven đê thường cung cấp đủ rau củ cho nhà tôi dùng trong dịp Tết và còn được bán ít nhiều. Cứ chiều ba mươi Tết, mẹ lại bảo tôi ra nhổ mùi già về để đun nước tắm cho cả nhà. Vạt đất chiều cuối năm chỉ còn luống rau mùi với những chùm quả li ti màu xanh và vài khóm cải đang trổ ngồng, bung sắc vàng chấp chới trong gió bấc hanh hao giữa lất phất mưa phùn. Đã bao năm rồi mà hình ảnh bãi đất ven đê chấp chới hoa cải vàng vẫn chập chờn trong những giấc mơ quê của tôi nơi đất khách.
Một trong những điều quan trọng nhất đối với mẹ mỗi dịp Tết là việc chuẩn bị quần áo mới cho anh chị em chúng tôi. Thường thì mỗi chúng tôi được mẹ may hoặc mua một bộ quần áo mới. Có khi mẹ mua vải để về cắt may ở nhà thợ may trong làng. Có khi, mẹ mua quần áo may sẵn ở cửa hàng mậu dịch. Việc ấy cũng phải làm từ từ từng người một, phần vì mẹ chẳng có đủ tiền sắm một lúc, phần vì chưa gặp quần áo, vải vóc phù hợp với sáu anh chị em chúng tôi. Mỗi lúc mẹ sắm sửa được quần áo Tết cho ai đó, cả nhà lại xúm xít quanh mẹ xuýt xoa. Rồi ai chưa có lại nóng lòng hỏi han, giục giã. Mẹ cứ mỉm cười rồi lại hứa hẹn. Có một năm, tôi nhớ mãi, đến tận sáng ba mươi mà tôi vẫn chưa có quần áo mới. Tôi phụng phịu hỏi mấy lần, mẹ đều bảo chưa tìm được cái ưng ý. Mẹ nhìn tôi như muốn nói gì, ngập ngừng mấy lần rồi thôi. Gần tối ba mươi, tôi lại hỏi, mẹ bảo: Tại cửa hàng mậu dịch năm nay hết hàng nên mẹ chưa mua được”. Tôi òa khóc, mẹ lại bảo: Nhưng mẹ nhờ chỗ khác rồi, thế nào cũng mua được”. Tôi choàng mắt tỉnh giấc khi nghe tiếng bố tôi gọi dậy đón giao thừa. Vừa mở mắt, tôi đã thấy mẹ cười rổn rảng: “ Có quần áo mới rồi con nhé! Bộ này đẹp lắm, áo thằng Ngô hẳn hoi đấy”. Tôi vui sướng như muốn nhảy dựng lên. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao mẹ tôi lại gọi đó là “áo thằng Ngô”. Tôi chỉ nhớ rằng, chiếc áo ấy có nhiều hình vẽ ngộ nghĩnh, có người thổi kèn, có người đánh trống với nhiều sắc màu sặc sỡ in khắp chiếc áo vải phin. Mãi sau này tôi mới biết, mẹ đã đi hỏi gần như khắp làng đêm ba mươi và mua lại được bộ quần áo đó từ một người trong làng có con độ tuổi tôi và chưa dùng đến.
Thường thì gần giao thừa, sau khi đã chuẩn bị Tết đầy đủ cho cả nhà, mẹ tôi mới lấy từ trong cái tay nải bộ áo dài và tấm khăn nhung để sáng mồng một ra chùa sớm. Bộ áo khăn ấy mỗi năm chỉ được mẹ tôi dùng mấy ngày Tết và những dịp đặc biệt nào đó. Hóa ra, tỉ mỉ chuẩn bị gần nửa năm trời cho cái Tết với bao lo toan, vui buồn, sấp ngửa nhưng hầu như mẹ chẳng chuẩn bị gì cho mình. Cứ nghĩ đến điều đó, bao giờ lòng tôi cũng se thắt. Mẹ tôi đã lặng thầm hóa mình thành Tết để thắp sáng tuổi thơ và cuộc đời của chúng tôi như dòng sông dốc cạn lòng cho đôi bờ phù sa xanh mãi.
Nguyễn Văn Song