Chuyện bộ đội ta kéo pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ ba, 02/04/2024 - 09:21

Từng là chiến sĩ Đại đội 804 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, Đại đoàn Công pháo 351), cựu chiến binh Đinh Trọng Lương, trú tại phường Hồng Hải (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cùng đơn vị của ông có vinh dự được tham gia pháo kích vào các cứ điểm: Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc chuẩn bị và chiến đấu trong chiến dịch đều rất khó khăn, gian khổ nhưng quá trình kéo pháo luôn là một trong những ký ức khó quên nhất với ông Lương ngày ấy…

 

Cựu chiến binh Đinh Trọng Lương chia sẻ kỷ niệm thời kỳ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Đinh Trọng Lương cho biết, thời điểm đó, đơn vị của ông được biên chế hơn 20 khẩu lựu pháo 105mm có nguồn gốc từ Trung Quốc viện trợ và do ta thu được của Pháp. Mỗi khẩu pháo nặng hơn 2 tấn. Đầu tháng 1 năm 1954, kế hoạch thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ được thông qua với phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Để phục vụ cho việc sử dụng pháo binh trong chiến dịch, Bộ chỉ huy kéo pháo được thành lập gồm các đồng chí: Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn công pháo 351 làm Chính ủy. “Việc kéo pháo lên Điện Biên Phủ rất gian nan, quân số của lực lượng pháo binh không đủ để thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi phải phối hợp với công binh để làm đường, đào hầm cho pháo. Trong quá trình kéo pháo, cần có bộ binh hỗ trợ thì mới kéo hàng chục khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua đèo dốc, quanh co”.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy kéo pháo, đơn vị của ông Lương kéo pháo từ km 31 đường Tuyên Quang - Hà Giang đi lên huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) qua tỉnh Yên Bái để vào vị trí tập kết tại Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên). Việc kéo pháo trên tuyến đường này tuy có sự hỗ trợ của xe ô tô nhưng không hề dễ dàng. Cựu chiến binh Đinh Trọng Lương nhớ lại: “Để đảm bảo tính bí mật, chúng tôi chỉ có thể hành quân vào ban đêm. Xe không được bật đèn, thi thoảng mới được sử dụng đèn gầm. Cái khó nhất chính là các đồng chí lái xe và chúng tôi đều chưa quen đường, bởi đây là những con đường mới mở để phục vụ kéo pháo. Thêm vào đó, thời tiết đầu năm mưa phùn, sương mù dày đặc khiến tầm nhìn hạn chế, đường đất trơn trượt. Trong đêm tối, chúng tôi vẫn thấy rõ xe đi chênh vênh giữa vách núi và vực thẳm, đến nhiều đoạn cua gấp cảm tưởng xe và pháo có thể văng xuống vực bất cứ lúc nào”.

Sau khi tập kết tại Tuần Giáo, ông Lương cùng đồng đội được lệnh kéo pháo bằng sức người vào trận địa. Tuyến đường bắt đầu từ rừng Nà Nham (thuộc km 70 đường Tuần Giáo-Điện Biên) qua đỉnh Pha Sông xuống bản Tố (đường Điện Biên-Lai Châu) rồi vươn tới trận địa dã chiến ở phía Tây Bắc Điện Biên Phủ. Quãng đường chỉ dài hơn 10 km nhưng đi qua nhiều núi cao, vực sâu. Ban đầu, Bộ chỉ huy kéo pháo huy động lực lượng 30 người kéo mỗi khẩu pháo, trong đó có 20 chiến sĩ bộ binh và 10 pháo thủ sau đó tăng lên 100 người. “Để kịp thời đưa pháo vào trận địa, chúng tôi ngụy trang kỹ càng, hành quân cùng pháo cả ngày lẫn đêm, đường kéo pháo len lỏi dưới tán rừng để tránh máy bay trinh sát của Pháp phát hiện”, ông Đinh Trọng Lương chia sẻ: Chặng đầu, đường còn bằng phẳng, chưa có dốc cao, đơn vị của ông Lương kéo suốt đêm đi được 1km. Nhưng càng đến chặng sau, đường đi càng khó khăn, có nhiều đêm vừa bắt đầu vượt dốc thì trời đổ mưa tầm tã, đất dưới chân các chiến sĩ biến thành bùn nhão, đi lại rất khó khăn. Thử thách lớn nhất đối với đơn vị của ông Lương là kéo pháo qua đỉnh Pha Sông, cao hơn 1400m so với mực nước biển. “Kéo pháo qua Pha Sông phải nhích từng mét một. Cứ sau tiếng hô “hai…ba…”, chiến sĩ lại chèn pháo ngay lập tức. Mặc dù thời tiết mưa, lạnh, ở rừng sâu, rét cắt da, cắt thịt nhưng khi kéo pháo mồ hôi chúng tôi vã ra như tắm, cảm thấy nóng bức hơn cả mùa hè”, cựu chiến binh Đinh Trọng Lương nhớ lại.

Sau khoảng 10 ngày đêm dùng sức người kéo pháo, đơn vị của ông Lương cùng các đơn vị bạn hoàn thành nhiệm vụ đưa pháo vào trận địa đúng theo thời gian đã định. Tuy nhiên, sau khi theo dõi diễn biến chiến trường và tương quan lực lượng, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ quyết định chuyển phương châm tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định hoãn cuộc tấn công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, xây dựng trận địa kiên cố để đánh dài ngày, tất cả lực lượng pháo binh kéo trở lại vị trí tập kết ban đầu.

Cựu chiến binh Đinh Trọng Lương tâm sự: “Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra càng khó khăn hơn. Khi xuống dốc, cán bộ, chiến sĩ phải ghì chân xuống đường, giữ, buộc dây thật chắc, thả đều tay, thống nhất. Làm nhiệm vụ nguy hiểm nhất là chiến sĩ chèn pháo, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, pháo tuột dốc thì tính mạng của chiến sĩ chèn pháo sẽ bị đe dọa”. Sự gian nan khi kéo pháo ra là địch phát hiện ra hoạt động của ta nên tăng cường trinh sát, ném bom, pháo kích. Nhiều lần bom, đạn Pháp rơi vào đường hành quân, mảnh văng khiến dây pháo bị đứt, các chiến sĩ đã dũng cảm ấy thân mình chèn, giữ pháo.

Vượt suối sâu, đèo cao, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đánh giặc, cựu chiến binh Đinh Trọng Lương cùng đồng đội đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kéo pháo vào, xây dựng lại trận địa. Đơn vị của ông cùng các đơn vị bạn nổ súng vào ngày 13/3/1954 trong trận tập kích cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điên Biên Phủ. Pháo binh của ta khiến quân Pháp bất ngờ, hoảng loạn. Cũng từ chặng đường kéo pháo đầy hi sinh, gian khổ đó đã hình thành nên truyền thống “chân đồng, vai sắt” của Binh chủng Pháo binh anh hùng.

Phạm Quyết