Chuyện về những người “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào”

Thứ sáu, 26/04/2024 - 07:58

Hưởng ứng và giác ngộ sâu sắc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam, thì phải đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu Tổ quốc…”, giới tăng ni, phật tử cả nước đã dấy lên Phong trào “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” để bảo vệ đất nước.

Trung đội Phật tử ở chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh (Nam Định). Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XII và là một di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu của mảnh đất thành Nam. Đặc biệt, chùa còn là nơi ghi dấu tích huyền thoại về Trung đội Phật tử “cởi áo cà sa, khoác chiến bào”.

Nghi thức đón bằng Tổ quốc ghi công do Nhà nước truy tặng Hòa thượng, Liệt sĩ Thích Thanh Dũng  

Lịch sử huyện Trực Ninh còn ghi rõ: Ngày 17/8/1945, Hòa thượng Thích Thế Long đã cùng chính quyền lâm thời huyện tổ chức tăng ni, phật tử cùng nhân dân phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo. Cuối năm 1946, giặc Pháp đưa quân chiếm đóng các thành phố ở miền Bắc, gây hấn và chiếm đóng gần chùa Cổ Lễ. Mùa xuân năm 1947, Hòa thượng Thích Thế Long đã tập hợp và khích lệ các sư nghe theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để gia nhập Vệ Quốc đoàn. Sáng ngày 27/2/1947, tại chùa Cổ Lễ, Hòa thượng Thích Thế Long tổ chức lễ phát nguyện cho 27 nhà sư “cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận”.

Cố Đại tá Đinh Thế Hinh (trước khi nhập thế mang pháp danh là Đại đức Thích Pháp Lữ) là một trong số 27 người nhập ngũ ở chùa Cổ Lễ năm đó từng kể: “Đó là một buổi sáng mùa Xuân, trời trong vắt, nắng tỏa nhẹ, chùa náo nhiệt khác thường. Từ sớm đã có rất đông nhân dân đến chứng kiến buổi lễ của đoàn Phật tử “cởi áo cà sa ra trận”. Tôi nhớ rõ từng lời của Hòa thượng trụ trì Thế Long: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le ngay cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử cũng tham gia đánh giặc cứu nước...”. Trong tôi lúc đó vừa thấy hồi hộp, vừa thấy bừng bừng khí thế. 27 nhà sư trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn”.

Sau lễ phát nguyện, 27 nhà sư được các đơn vị bộ đội tiếp nhận huấn luyện và giao nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ thành Nam Định, chùa Non Nước. Trung đội Phật đã cùng quân dân tỉnh Nam Định chiến đấu giam chân địch, giữ được thành phố trong 83 ngày đêm. Sau này, 27 nhà sư tiếp tục tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và 12 trong số 27 nhà sư đã anh dũng hy sinh. Đặc biệt, trong thời kỳ chống Mỹ, chùa Cổ Lễ còn tổ chức cho 8 nhà sư gia nhập Quân đội, tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Khi tiếng súng đã yên có người quay lại nghiệp tu hành, có nhiều người ở lại phục vụ Quân đội lâu dài cũng có người trở về với cuộc sống lao động sản xuất.

Những nhà sư Việt Minh ở Tiên Lãng

Năm 2019, tại Lễ truy tặng và trao bằng Tổ quốc ghi công cho Hòa thượng Thích Thanh Dũng, trụ trì chùa Đót Sơn ở xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) đông đảo mọi người tham dự đều xúc động trước tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ Thích Thanh Dũng- Đội viên du kích trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, khi ấy Trụ trì Thích Thanh Dũng cùng nhân dân trong thôn rào làng chiến đấu, đào hầm, đắp ụ ngăn xe, cản địch. Sư thầy đã cho đào hầm trong vọng cung và trong khuôn viên của chùa để che giấu, nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ, cất giấu vũ khí, chữa chạy cho thương binh. Ngày 30/4/1951, giặc mở trận càn bao vây làng, phát hiện nghi vấn ở chùa Đót Sơn lập tức chúng cho bắt giữ sư trụ trì, dụ dỗ, tra tấn ông rất dã man nhằm moi được thông tin về cán bộ và hầm bí mật. Song nhà sư vẫn kiên trung, nhất quyết không khai khiến giặc Pháp nổi điên giết chết ông ngay tại sân chùa.

Cũng tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Quảng Minh khi ấy là Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tiên Lãng có chia sẻ, Trụ trì Thích Thanh Dũng không phải là trường hợp nhà sư duy nhất ngã xuống trước sự khủng bố tàn ác của kẻ thù. Bởi lẽ trong kháng chiến chống Pháp hòa chung khí thế của “vùng đất thép” Tiên Lãng, gần như tất cả các nhà sư trong huyện đều ủng hộ Viêt Minh và có nhiều người đã ngã xuống vì ngọn cờ cách mạng như liệt sĩ Thích Thanh Dũng.

Khởi nguồn cho việc các nhà sư ở Tiên Lãng đi theo Việt Minh phải kể đến sự kiện năm 1946, Sư tổ Tự Tâm Cẩn trụ trì ở chùa Thắng Phúc (ngôi chùa trăm gian lớn nhất trong huyện) thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến đã đốt cháy và tiêu hủy chùa. Sau khi chùa cháy, sư tổ đã động viên tăng ni, phật tử hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và căn dặn các đệ tử: “Nước còn thì đạo còn, nay nước lâm nguy thì đạo cũng lâm nguy, phải giữ lấy nước thì mới giữ được đạo”. Nghe theo lời di huấn của sư tổ, các tăng ni, phật tử trẻ tuổi hăng hái tham gia vào đội du kích tại địa phương, còn các vị sư tuổi cao thì bám trụ tại các chùa trong vùng lập thành “Hội Tăng già cứu quốc” để nuôi giấu cán bộ, tham gia kháng chiến”.

Ghi chép của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tiên Lãng cho biết, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp cả huyện có khoảng 80 nhà sư thì gần như quá nửa đã bị giặc Pháp bắt bớ, sát hại. Tính ở thời điểm năm 2020 đã có 7 nhà sư vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ và một số trường hợp khác đã hoàn thành hồ sơ trình lên Nhà nước xét duyệt. Theo Thượng tọa Thích Quảng Minh, việc các nhà tu hành “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” vừa thể hiện tình yêu nước nước sâu sắc, quyết tâm bảo vệ bờ cõi trước thế lực ngoại xâm, vừa là lòng tin và sự hiện thực hóa tinh thần Phật pháp nhập thế, diệt trừ tà ác, cứu khổ cứu nạn và đồng hành cùng với dân tộc của Phật giáo ở Việt Nam.

Anh Dũng