Đại thắng mùa Xuân 1975 mở ra một chương mới của lịch sử dân tộc

Thứ sáu, 26/04/2024 - 07:50

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, quân ta bắt sống toàn bộ nội các chính quyền trung ương địch, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh 49 năm trước đã kết thúc chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975) của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, đưa non sông về một mối và mở ra một chương mới của lịch sử dân tộc: Việt Nam độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 304 (Ảnh tư liệu)

Năm 1954 thực dân Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954) rút khỏi Đông Dương. Tuy nhiên, ngay sau đó, thực hiện chính sách “lấp chỗ trống”, đế quốc Mỹ đã nhảy vào tiến hành chiến tranh xâm lược, với âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự phục vụ cho chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng.

Để thực hiện mưu đồ trên, Mỹ dựng lên chính quyền, quân đội tay sai, ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Chỉ trong vòng 4 năm (1954 - 1958), cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên; gần 90 vạn đồng bào yêu nước bị bắt, tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn, giết hại... Trước âm mưu, hành động xâm lược của địch, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập nhau: Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn nằm dưới sự đô hộ của chủ nghĩa đế quốc và tay sai.

Để đương đầu, đánh thắng kẻ thù đứng đầu thế giới tư bản chủ nghĩa với tiềm lực kinh tế, quân sự rất hùng mạnh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng (khóa II) lần thứ 15 (đầu năm 1959) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) đã vạch ra đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo. Đặc biệt, từ năm 1965, để cứu nguy cho chế độ Sài Gòn, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh, quân một số nước đồng minh, nhiều loại vũ khí, trang bị cùng phương tiện chiến tranh hiện đại vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam; đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương Đảng (khóa III) lần thứ 12 đã thêm một lần nữa khẳng định nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng thiêng của cả dân tộc, của nhân dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc; từ đó đề ra quyết tâm: “Động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”.

Đường lối kháng chiến do Đảng đề ra đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, thực sự trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nhau đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp, biến thành hành động thực tiễn qua nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi khắp cả nước, từ hậu phương đến tiền tuyến. Điển hình như các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”... ở miền Bắc; các phong trào “Bám đất, giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không dời”, “Giết giặc lập công”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”... ở miền Nam; hay quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”... trên tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam. Tất cả đều hướng đến mục tiêu độc lập, hòa bình và thống nhất non sông. Bằng sức mạnh đó, suốt 21 năm chiến đấu anh dũng, bền bỉ, quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh đơn phương, “tố cộng, diệt cộng” (1954 - 1960), “chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), “chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1973), buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh về nước.   

Đến cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị đề ra, cả dân tộc “ra quân” trong mùa Xuân 1975 lịch sử. Chưa bao giờ, khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của quân dân ta diễn ra sục sôi cao trào như thời điểm này. Được sự chi viện to lớn của miền Bắc, trên khắp chiến trường miền Nam, quân và dân ta ra sức chuẩn bị các mặt cho trận quyết chiến quyết định cuối cùng. Các phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với quân sự, binh vận, ngoại giao diễn ra mạnh mẽ đã đẩy chính quyền, quân đội Sài Gòn lún sâu hơn vào tình thế khó khăn, hoàn toàn bị cô lập. Sau một thời gian chuẩn bị mọi mặt tạo thế, tạo lực, ngày 4/3/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta bắt đầu, diễn ra với ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (từ 4/3 đến 3/4/1975), tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ 21/3 đến 29/3/1975) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ 26/4 đến 30/4/1975).

 Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đập tan hơn 1 triệu quân ngụy, lật đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và tay sai. Đồng thời, đánh dấu kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ; kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân, xóa bỏ giai cấp phong kiến và tư sản ở miền Nam, đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới.

                                                                                                    Mạnh Dũng