Kinh tế châu Á lao đao vì căng thẳng Biển Đỏ

Thứ ba, 19/03/2024 - 15:30

Trong bối cảnh tình hình Biển Đỏ chứng kiến những diễn biến phức tạp thời gian qua, nền kinh tế châu Á trở thành một trong những “nạn nhân” bất đắc dĩ.

Bloomberg dẫn báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU), thuộc tạp chí kinh tế The Economist có trụ sở chính tại Anh, đánh giá căng thẳng trên Biển Đỏ có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế của châu Á, đồng thời thổi bùng lạm phát tại đây. EIU lý giải rằng, xuất khẩu của các nước châu Á đã chịu tác động từ năm ngoái do nhu cầu của phương Tây yếu đi. Vì thế, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen, với lý do nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở dải Gaza, đối với tàu hàng mà họ nghi ngờ có liên quan đến Nhà nước Do Thái qua lại ở Biển Đỏ kể từ tháng 11-2023, sẽ càng gây sức ép lên những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Một tàu hàng di chuyển ngoài khơi Djibouti.

Có thể nói, những cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ khiến lưu lượng tàu, thuyền đi qua kênh đào Suez giảm đáng kể. Đây là tuyến hàng hải huyết mạch và ngắn nhất kết nối hai lục địa Á-Âu, đóng góp 15% thương mại toàn cầu và 20% lưu lượng container của thế giới. Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại trên kênh đào này đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo đó, để tránh bị tập kích, nhiều tàu hàng phải tái định tuyến qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, dẫn đến mất nhiều thời gian hơn và tăng chi phí hơn. Công ty hậu cần Kuehne+Nagel (Thụy Sĩ) cho biết, so với các tuyến đường đi qua kênh đào Suez, chuyến đi giữa châu Á và châu Âu vòng quanh Mũi Hảo Vọng sẽ kéo dài thời gian vận chuyển thêm khoảng 3 tuần nữa. Do vậy, việc vận chuyển hàng hóa từ “lục địa già” sang Malaysia và Singapore hiện mất 56 ngày, thay vì chỉ 32 ngày như thời điểm trước khi Houthi bắt đầu tấn công tàu hàng. Trong khi đó, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc tăng từ 42 lên 55 ngày. Mới đây, hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics (Anh) cũng tiết lộ giá vận chuyển đường biển bằng container đang cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Chi phí vận chuyển tăng ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều nước châu Á, đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm như Ấn Độ và Pakistan.

Với kịch bản an ninh tại Biển Đỏ bất ổn như trên, EIU nhận định tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ mất 0,2-0,5% trong năm nay, còn lạm phát khu vực có khả năng tăng thêm 0,4%. Lạm phát tăng tốc còn khiến ngân hàng trung ương nhiều nước gặp khó khăn hơn trong việc tìm cơ hội giảm lãi suất. Xa hơn, nó sẽ gây ra “hiệu ứng domino” đối với giá cả hàng hóa, làm tăng bất ổn kinh tế và địa chính trị khu vực, từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung.

Bloomberg dẫn lời Giám đốc điều hành hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL (Đức) Tobias Meyer cho biết, rất khó dự đoán được tình hình hỗn loạn hàng hải ở Biển Đỏ sẽ còn kéo dài đến khi nào. Vì thế, khi căng thẳng trên Biển Đỏ chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, nhiều đơn vị bắt đầu chuyển hướng vận chuyển hàng hóa sang các loại hình giao thông khác. Theo thống kê, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu bằng đường sắt qua Nga đã tăng trung bình 30% kể từ khi Houthi nhắm vào tàu hàng trên Biển Đỏ. Đơn cử, thời gian vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa từ thành phố Thành Đô của Trung Quốc qua Nga đến thành phố Duisburg của Đức mất khoảng 30 ngày, ngắn hơn đáng kể so với bằng các tuyến đường biển thay thế như hiện tại.

Theo QĐND