Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đầu tiên về AI
Thứ ba, 26/03/2024 - 15:41
Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết đầu tiên về thúc đẩy các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.
Tân Hoa xã ngày 22/3 đưa tin, nghị quyết của ĐHĐ LHQ nhấn mạnh sự cần thiết của các hệ thống AI "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" nhằm thúc đẩy - thay vì cản trở - việc tiếp cận công bằng các lợi ích mà chúng mang lại để phát triển bền vững cũng như ứng phó các thách thức toàn cầu khác. Nghị quyết nêu rõ, nhân quyền và các quyền tự do cơ bản phải được tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy trong tiến trình này.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh, Đại hội đồng Liên hợp quốc "đã chung một tiếng nói, quyết định quản lý AI thay vì để AI chi phối chúng ta".
Theo AP, nghị quyết khuyến khích tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực, cộng đồng công nghệ, các cơ quan truyền thông, giới học giả, các viện nghiên cứu cũng như mọi cá nhân "phát triển, hỗ trợ các biện pháp và khuôn khổ quản lý" đối với những hệ thống AI "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy". Tân Hoa xã dẫn nghị quyết kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ để các quốc gia đang phát triển được "tiếp cận công bằng và toàn diện" những lợi ích từ chuyển đổi số cũng như AI. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thảo luận về vấn đề quản lý AI để bắt kịp với tốc độ phát triển của AI. Theo Reuters, nghị quyết đồng thời cảnh báo, việc phát triển, sử dụng các hệ thống AI "không phù hợp hoặc với mục đích xấu" đe dọa các nỗ lực bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.
Reuters cho biết, nghị quyết nói trên do Mỹ đề xuất và được 123 quốc gia đồng bảo trợ. Mỹ bắt đầu khởi động thảo luận với 193 quốc gia thành viên LHQ từ cách đây 3 tháng, với hàng trăm giờ thảo luận trực tiếp với các quốc gia riêng rẽ. Dự thảo nghị quyết đã được chỉnh sửa nhiều lần trước khi ĐHĐ LHQ thông qua.
Theo AP, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đánh giá, nghị quyết của ĐHĐ LHQ "mang tính lịch sử" vì vạch ra các nguyên tắc sử dụng AI một cách an toàn. Trong một tuyên bố, bà Harris nêu rõ, AI phải phục vụ lợi ích cộng đồng, phải được phát triển để làm sao "mọi người đều được thụ hưởng các lợi ích và được bảo vệ trước các rủi ro tiềm tàng của nó". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, nghị quyết là "cách tiếp cận toàn cầu đầu tiên" đối với việc phát triển cũng như sử dụng "công nghệ mới nổi, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ này". Reuters dẫn lời Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh, với việc thông qua nghị quyết nói trên, ĐHĐ LHQ "đã chung một tiếng nói, quyết định quản lý AI thay vì để AI chi phối chúng ta". Phát biểu với báo giới ngay sau khi nghị quyết được ĐHĐ LHQ thông qua, Đại sứ các nước Bahamas, Nhật Bản, Hà Lan, Morocco, Singapore và Anh tại LHQ gọi đây là "ngày tốt lành với LHQ và chủ nghĩa đa phương". UN News cho rằng nghị quyết về AI của ĐHĐ LHQ là một nỗ lực "mang tính bước ngoặt". AP nhấn mạnh, khác với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, nghị quyết của ĐHĐ LHQ không có tính ràng buộc pháp lý, nhưng là "thước đo dư luận thế giới".
Nghị quyết về AI được ĐHĐ LHQ thông qua trong bối cảnh nền tảng công nghệ này đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sự ra đời của công cụ AI như ChatGPT đã khiến thế giới phải bất ngờ. Mặc dù công nghệ AI có tiềm năng trong việc hỗ trợ con người, song nhiều người quan ngại công nghệ này có thể bị lạm dụng. Ngày 13/3 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua đạo luật AI, đưa Liên minh châu Âu (EU) tiến gần hơn tới việc có những quy định toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm quản lý AI. Đạo luật AI này dự kiến chính thức có hiệu lực trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới đây sau khi được cơ quan lập pháp của các nước thành viên EU thông qua. Không riêng gì EU, AP cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc cũng đang xúc tiến xây dựng các quy định về quản lý AI.
Theo QĐND