Tạo cơ hội từ thách thức

Thứ tư, 13/03/2024 - 08:49

Dân số thế giới đang già hóa nhanh chóng. Đến năm 2025, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm 20% dân số toàn cầu. Những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Những người lớn tuổi có sức khỏe hơn, giàu hơn và có nền tảng giáo dục tốt hơn so với các thế hệ trước. Với sức mua đáng kể và nhu cầu cụ thể, người lớn tuổi ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi được coi là nhóm người tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, mang đến cơ hội phát triển kinh doanh cho nhiều ngành công nghiệp.

Thị trường sản phẩm và dịch vụ hướng đến những người trên 50 tuổi-được gọi là nền “kinh tế bạc”-ước tính trị giá 15.000 tỷ USD trên toàn cầu và dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân khi số lượng người già tiếp tục tăng. Điều quan trọng là nền “kinh tế bạc” có thể đóng góp vào sự phát triển xã hội của một quốc gia bên cạnh lợi ích kinh tế, vì khi các doanh nghiệp kiếm lợi nhuận bằng những dịch vụ, sản phẩm hướng tới nhu cầu của người cao tuổi nghĩa là họ đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và tạo ra giá trị xã hội.

Trung Quốc có số lượng người cao tuổi lớn nhất thế giới.

Đối với ông Zhang Xuemin, 66 tuổi, du lịch đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Sau khi nghỉ hưu, ông và vợ thường chi một nửa tiền lương hưu mỗi năm (khoảng 4.000-5.000USD) cho du lịch. Những người già như ông Zhang đang là đối tượng khách hàng tiềm năng của nền “kinh tế bạc”.

Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Trung Quốc có số lượng người cao tuổi lớn nhất thế giới với 216,8 triệu người từ 65 tuổi trở lên và con số đó sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm 2050. Do đó, nền “kinh tế bạc” của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần về giá trị, từ 750 tỷ USD vào năm 2020 lên 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và có thể đạt tới 4,2 nghìn tỷ USD, chiếm 10% GDP của Trung Quốc vào năm 2035.

Để tận dụng cơ hội, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa các dịch vụ và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, qua đó đẩy mạnh phát triển mô hình “kinh tế bạc” đưa mô hình này trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới. 

Đầu năm 2024, Chính phủ Trung Quốc công bố một loạt biện pháp thúc đẩy nền “kinh tế bạc”, trong đó kêu gọi doanh nghiệp thuộc cả khối tư nhân lẫn nhà nước cùng tham gia chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành văn bản hướng dẫn vạch ra 26 biện pháp trong 4 lĩnh vực, từ giải quyết những thách thức cấp bách mà người cao tuổi phải đối mặt đến mở rộng nguồn cung cấp sản phẩm và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, thúc đẩy các ngành công nghiệp có tiềm năng to lớn. Nước này cũng công bố kế hoạch phát triển 10 khu công nghiệp và tăng thêm khoản đầu tư công và tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ hướng tới nhóm dân số lớn tuổi.

Theo dự báo của Liên hợp quốc, Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn già hóa nghiêm trọng trước năm 2035 (dân số trên 65 tuổi vượt 21%) và sẽ bước vào giai đoạn già hóa cực độ trước năm 2050 (dân số trên 65 tuổi vượt 28%). Điều này không chỉ tác động lên thị trường lao động, an sinh xã hội mà còn cả thị trường tiêu dùng. Vì thế, phát triển “kinh tế bạc” được xem là biện pháp quan trọng của Trung Quốc để chủ động ứng phó với sự già hóa dân số, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả hiện tại và tương lai.

Già hóa dân số là thực trạng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thay vì có cái nhìn tiêu cực, sẽ tốt hơn nếu chúng ta đối diện với quá trình này một cách tích cực. Đầu tư vào một nền “kinh tế bạc” có thể biến thách thức thành cơ hội vàng. Hiện nay, nhiều công ty Trung Quốc, bao gồm cả "ông lớn" công nghệ Tencent Holdings, đang tích cực nắm bắt cơ hội để khai thác mảng dịch vụ dành cho người cao tuổi. Tencent Holdings đã thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu "công nghệ bạc", nhằm tạo ra những công nghệ thông minh giúp bảo vệ và hỗ trợ cuộc sống của người cao tuổi. Tencent Holdings cho rằng đây là lĩnh vực có tiềm năng to lớn để phát triển và quan trọng hơn, điều này cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và toàn xã hội.

Theo QĐND