Mỹ lo ngại Nga phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian

Thứ sáu, 12/04/2024 - 15:54

Lo ngại khả năng Nga phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian, Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ đề xuất lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) lệnh cấm triển khai loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này trong không gian.

Bất chấp việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rõ Moscow không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian, đồng thời khẳng định nước này chỉ phát triển năng lực không gian tương tự như Mỹ,  nhưng Washington cùng đồng minh Nhật Bản vẫn thúc đẩy lệnh cấm.

Động thái của Mỹ và Nhật Bản phản ánh mối lo ngại trước những thông tin về các bước đi của Nga trong không gian liên quan tới vũ khí hạt nhân. Báo chí hồi tháng 2 đưa tin, Nga có ý định đưa vũ khí nguyên tử lên không gian nhằm chống lại các vệ tinh, tất nhiên, Điện Kremlin đã bác bỏ. Thậm chí Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Turner từng cảnh báo về “mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”, liên quan đến “khả năng Nga phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian”. Ông Turner còn nhấn mạnh đã yêu cầu Tổng thống Joe Biden cho “giải mật” những thông tin liên quan đến mối đe dọa này.

Tổng thống Putin thăm Hãng chế tạo tên lửa và không gian Energia ở ngoại ô Moscow, tháng 10-2023. Ảnh: Reuters.  

Còn theo Reuters, Nga đã phát triển học thuyết về an ninh không gian, bao gồm cả những hoạt động gây nhiễu các kênh liên lạc qua vệ tinh của đối phương. Năm 2020, Moscow đã thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh không gian. Trong khi đó, The New York Times từng đưa tin Moscow “triển khai vũ khí hạt nhân chống vệ tinh trên không gian” và vũ khí mới của Nga có khả năng phá hủy các liên lạc dân sự, quân sự, giám sát từ không gian của Hoa Kỳ và các đồng minh.  

Theo Sputnik, ông Earl Rasmussen, một nhà bình luận quân sự và đối ngoại độc lập kỳ cựu, đồng thời là Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu cho biết, bộ máy quân sự của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào vệ tinh cho các hoạt động của mình. Vì vậy ông cho rằng, Mỹ có thể lo ngại về việc không thực sự có khả năng phòng thủ tốt để chống lại một số vũ khí tiêu diệt hoặc gây rối loạn vệ tinh. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng khẳng định, Nga chưa triển khai bất kỳ vũ khí hạt nhân nào trong không gian hay bất kỳ thành phần nào của chúng để sử dụng chống lại vệ tinh hoặc tạo ra các khu vực mà vệ tinh không thể hoạt động hiệu quả.

Bộ trưởng Shoigu đã cáo buộc Washington đang dựng lên mối đe dọa không gian từ Nga nhằm gây áp lực lên quốc hội nước này về phê chuẩn thêm viện trợ cho Kiev, đồng thời tìm cách lôi kéo Nga vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân bị đình chỉ do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Đối với đề xuất về dự thảo nghị quyết liên quan tới lệnh cấm lên HĐBA LHQ của Mỹ và Nhật, Nga đã cam kết sẽ đưa ra quan điểm của mình. Thông tin chi tiết hơn về dự thảo nghị quyết vẫn chưa được công bố, nhưng Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky đã bình luận nó là “xa rời thực tế” và cáo buộc Mỹ “lại thực hiện một chiêu trò tuyên truyền khác” thông qua một dự thảo nghị quyết “rất chính trị hóa”.

Dự thảo nghị quyết được cho là kêu gọi các nước cam kết không “phát triển vũ khí hạt nhân hoặc bất kỳ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác được thiết kế để đưa vào quỹ đạo”, tái khẳng định kỳ vọng rằng các quốc gia “tuân thủ đầy đủ” Hiệp ước Ngoài không gian-Hiệp ước cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt trong không gian vũ trụ có hiệu lực từ tháng 10-1967.

Theo giới phân tích, với việc bảo trợ cho dự thảo nghị quyết, Mỹ cho thấy mối lo ngại việc Nga phát triển vũ khí hạt nhân trên không gian có thể làm nghiêng cán cân chiến lược toàn cầu. Mặc dù cáo buộc Nga quân sự hóa không gian, nhưng chính Lầu Năm Góc đã tăng cường năng lực chiến tranh không gian của mình với việc thành lập Lực lượng Không gian như một nhánh riêng của quân đội Mỹ vào năm 2019, thực hiện các bước để tăng cường quân sự trên không gian, phóng các chùm vệ tinh mới và thảo luận về kế hoạch biến không gian thành một “miền chiến đấu” mới.

Những thông tin về “tiềm năng mới của Nga” trong lĩnh vực này được đưa ra trong bối cảnh có câu hỏi được đặt ra là liệu Moscow có đang chuẩn bị từ bỏ hiệp ước năm 1967 hay không? Tuy nhiên, Tổng thống Putin từng tuyên bố: “Chúng tôi luôn và vẫn kiên quyết phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Ngược lại, chúng tôi kêu gọi mọi người tuân thủ tất cả các thỏa thuận tồn tại trong lĩnh vực này”. Nhà lãnh đạo Nga còn cho biết, Nga “nhiều lần đề nghị tăng cường hợp tác chung trong khu vực nhưng vì lý do nào đó, ở phương Tây, chủ đề này không được nhắc lại”.

Theo QĐND