Người lính quân y ở mặt trận Điện Biên Phủ năm ấy

Thứ hai, 15/04/2024 - 10:51

Những ngày này, hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã được gặp Cựu chiến binh Vũ Trọng Thuận, ở Tổ 3 (phường Thống Nhất, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình). Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Thuận vẫn còn tinh anh ôn lại kỷ niệm về những ngày cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong 56 ngày đêm tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Vũ Trọng Thuận sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội). Năm 1946, nghe theo kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trốn nhà theo bộ đội tham gia kháng chiến để bảo vệ Thủ đô khi mới 14 tuổi. Một thời gian sau, ông Thuận được điều về đơn vị mới khi Trung đoàn Thủ đô tách một bộ phận ra thành lập Trung đoàn 52 (sau này là Trung đoàn Tây Tiến) để chiến đấu, hoạt động ở vùng địch tạm chiếm khu Tây Bắc.

Cựu chiến binh Vũ Trọng Thuận.

Quá trình chiến đấu, ông Thuận được cấp trên tin tưởng cử đi học lớp quân y. Cuối năm 1953, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, công việc chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành, trong đó có thành lập các đội thu dung, điều trị, các trạm vận chuyển thương binh, bệnh binh trong chiến đấu. Theo lệnh cấp trên, ông Thuận được điều về Đội điều trị 6 - Mường Phăng thuộc Quân khu Tây Bắc. Tại đây, ông được giao làm Trạm trưởng trạm thu dung điều trị thương binh. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn về trang bị cũng như thuốc men, sau mỗi trận đánh, cả trăm thương binh từ mặt trận được đưa về Trạm, nhưng với ý chí, tinh thần của những người lính xông pha nơi tuyến đầu, Y sỹ Vũ Trọng Thuận đã cùng đồng đội trực tiếp phân loại, phân luồng đưa bệnh nhân về các cơ sở điều trị; đồng thời khẩn trương tổ chức điều trị, cấp cứu ngay tại Trạm và chuyển tuyến thương binh về tuyến sau…

Nhớ về Điện Biên, ông Thuận nghẹn ngào kể: “Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh cậu chiến sĩ bị thương nặng ở vùng đầu trong một trận đánh vào cứ điểm Him Lam. Mặc dù được chúng tôi khẩn trương sơ, cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, cậu ấy rơi vào hôn mê sâu. Đến ngày thứ 4, thì cậu bất ngờ tỉnh lại. Giọng nói yếu ớt, cậu ấy thì thào vào tai tôi xin được nghe bài hát “Làng tôi” của nhạc sỹ Văn Cao”.

Giữa tiếng bom đạn đang từng đợt dội xuống cánh rừng Mường Phăng bao la, tiếng hát của những người chiến sĩ áo trắng vang lên như xoa dịu nỗi đau cho người lính can trường. Rồi cậu chiến sĩ trẻ ấy đã thanh thản ra đi khi nghe xong bài hát đó. “Chiến tranh là thế. Khốc liệt và đau thương. Nhiều chiến sĩ sau khi được băng bó vết thương lại nhanh chóng trở lại chiến trường cầm súng đánh giặc; nhưng cũng có nhiều đồng đội của chúng tôi hy sinh vì bị thương rất nặng, vì thiếu thốn y cụ, thuốc men… Có người còn rất trẻ, có đồng chí chúng tôi chưa kịp biết tên… Đó vẫn là nỗi day dứt, xót xa đi theo tôi suốt những năm tháng sau này”- ông Thuận nghẹn ngào.

70 năm đã trôi qua, nhưng với Cựu chiến binh Vũ Trọng Thuận, những ký ức về một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”; những ngày đêm làm việc liên tục dưới hầm hào để cứu chữa thương binh; cả những cái ôm siết chặt nhau hạnh phúc trong ngày chiến thắng… vẫn như mới ngày hôm qua. Ông vẫn thường kể chuyện, nhắc nhở để con cháu nhớ, hiểu và trân trọng những gian khó, hy sinh của cha ông đi trước, từ đó tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

QUỲNH HOA – ĐỨC ANH