Quân và dân Quân khu 3 chi viện hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ sáu, 12/04/2024 - 15:22

Thực hiện chỉ thị của Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh về việc tổ chức Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ ở các cấp,  Quân khu 3 (khi ấy là Liên khu 3) đã tổ chức Hội đồng Cung cấp mặt trận làm nhiệm vụ tập trung huy động sức người (tuyển quân, dân công), vật chất các loại theo yêu cầu của Trung ương để kịp thời chi viện cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo đó, phạm vi hoạt động do Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ của Liên khu 3 được chia làm 2 khu vực: Khu vực Đường số 12 tại Móng Lá (Nho Quan, Ninh Bình); khu vực Đường số 21 tại Đầm Đa (Chi Nê, Hòa Bình). Tại các khu vực đều có các kho chứa hàng, các bến bãi, khu vực tập kết bộ đội, dân công trên cung đường hành quân lên chiến dịch, bảo đảm cho cả bộ đội, dân công có đủ nơi ăn, nghỉ, chữa bệnh…

Lực lượng dân công vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)  

Trong thực hiện nhiệm vụ tuyển quân, ngành Quân y Khu Tả ngạn, Liên khu 3 đã cùng y tế các địa phương tổ chức khám tuyển cho hàng vạn thanh niên, trong đó chủ yếu là ở vùng địch hậu tham gia tòng quân. Điều này góp phần giúp nhiều địa phương vượt chỉ tiêu tuyển quân trên giao. Tiêu biểu, từ cuối năm 1953 đến tháng 4/1954 các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã có 1 vạn thanh niên nhập ngũ; ở Ninh Bình chỉ tính riêng trong tháng 4/1954 có 3.716 thanh niên trúng tuyển, bổ sung cho lực lượng thường trực chiến đấu. Còn tại Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương chỉ tính đến cuối năm 1953 đã có 4.950 thanh niên nhập ngũ, trong đó bổ sung cho các đơn vị của Bộ là 1.338 tân binh… Việc bảo đảm quân y cho tuyến vận chuyển chi viện mặt trận Điện Biên Phủ, Phòng Cung cấp của Liên khu đã tổ chức một đội phẫu với trang bị tốt bố trí trên Đường 6 gần thị xã Hòa Bình. Ở các trạm trên đường vận chuyển đều bố trí lực lượng quân y, có thuốc thông thường để bảo đảm cấp cứu điều trị cho bộ đội và dân công hỏa tuyến.

Cùng với đó, Quân khu 3 cũng đã huy động hàng vạn dân công hỏa tuyến phục vụ cho chiến dịch Điên Biên Phủ. Dân công từ vùng địch hậu Khu Tả Ngạn được các địa phương tổ chức thành từng đoàn từ 300-500 người do cán bộ tỉnh hoặc huyện làm trưởng đoàn tổ chức mang theo xe đạp thồ, quang gánh, lương thực, thực phẩm theo quy định của từng đợt huy động. Các tỉnh tổ chức một bộ phận quản lý dân công do một Phó chủ tịch tỉnh đảm nhiệm, có các bộ phận giúp việc để quản lý quân số và tổ chức các đội vận tải theo yêu cầu của trên như: Đội vận tải bằng xe đạp thồ, xe ngựa, xe trâu bò kéo, đội gánh gồng, đội vận tải thuyền mảng… Tiêu biểu lúc đó có Đội Xe đạp thồ huyện Gia Viễn (Ninh Bình) với 150 người chuyên làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực từ Binh trạm tiền phương số 1 ở Nho Quan lên chân đèo Pha Đin luôn đạt mức bình quân 150kg/xe.

Còn công việc vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ của lực lượng dân công hỏa tuyến phần lớn đều được mang vác, gồng gánh trên vai là chính và phải vượt qua các vùng địch kiểm soát gắt gao trong địch hậu Tả Ngạn, khu tạm chiếm Hữu Ngạn để lên Hòa Bình qua đèo Cun, Pheo, Tấu Nà lên Pà Cò, Hang Kia rồi giao cho Binh trạm của Tổng cục Cung cấp ở Mộc Châu. Việc bảo đảm ăn uống cho lực lượng dân công hỏa tuyến do từng địa phương tự tổ chức, mang theo lương thực, thực phẩm, tiền mặt để khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ ở các nơi đi qua.     

Theo kế hoạch của Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương, Liên khu 3 phải tổ chức sửa chữa các tuyến đường vận tải chính như: Đường số 6, 21, 41 với thời gian hoàn thành trong tháng 2/1954. Theo nhiệm vụ được giao, Liên khu 3 đã huy động hàng nghìn dân công của các tỉnh cùng dân công của tỉnh Hòa Bình tham gia cải tạo, sửa chữa đường cho ô tô của chiến dịch hoạt động; làm mới đoạn đường từ Bãi Sang đến Vạn Xuân (Đường số 41) dài 70 km. Đại đội 55 và 3 đại đội thanh niên xung phong cùng hơn 3.000 dân công tập trung sửa gấp đoạn đường từ thị xã Hòa Bình lên Mộc Châu và cải tạo nhiều hang động, bến bãi trên toàn tuyến đường để làm nơi chứa hàng…

Từ tháng 12/1953 đến cuối tháng 5/1954, Trung ương giao cho Liên khu 3 phải cung cấp gấp cho mặt trận Điện Biên Phủ 83 tấn muối, 51 tấn rau khô, 50 tấn thịt, 1200 tấn gạo. Đây là lần đầu tiên Trung ương huy động khối lượng vật chất lớn và trong thời gian ngắn như vậy ở Liên khu 3. Nhiệm vụ này cũng phải thực hiện trong bối cảnh thóc, gạo trong toàn Liên khu chỉ còn đủ cung cấp cho nhu cầu thường xuyên đến tháng 6/1954. Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì chiến trường Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc vùng đồng bằng sông Hồng đã thi đua bán lúa gạo, trâu bò, lợn cho các đội thu mua của Phòng Cung cấp Liên khu. Đến tháng 5/1954, Hội đồng Cung cấp mặt trận Liên khu 3 đã bảo đảm được gần đủ theo chỉ tiêu Trung ương giao.  

Tổng kết lại, trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, Liên khu 3 đã cung cấp phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ: 1464 tấn gạo, 64 tấn thịt, 266 tấn muối, 51,66 tấn rau khô, 6,4 nghìn người tham gia lực lượng dân công với 1712 chiếc xe đạp thồ, 736 xe trâu, xe bò, xe ngựa…, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Anh Dũng