Quân và dân tỉnh Ninh Bình góp sức cho mặt trận Điện Biên Phủ

Thứ sáu, 26/04/2024 - 07:43

Trong những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ, hy sinh của cuộc kháng chiến chống thực dân dân Pháp, đặc biệt là trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, cùng với đồng bào, chiến sĩ cả nước, quân và dân tỉnh Ninh Bình đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

 

Thực hiện chủ trương chiến lược của Trung ương, chỉ thị, nghị quyết của Liên khu 3 và của Tỉnh ủy, quân và dân tỉnh Ninh Bình vừa đẩy mạnh tiến công địch cả về quân sự, chính trị và binh vận; vừa xây dựng, củng cố lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Ngày 20/01/1954, nhằm đẩy mạnh mọi hoạt động đánh địch trong tỉnh phối hợp với các chiến trường, nhất là chiến trường chính Điện Biên Phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ra nghị quyết nêu rõ 6 nhiệm vụ cụ thể của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân Ninh Bình trong năm 1954, đó là: Tích cực tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đánh mạnh bọn địa phương quân, lính dõng, tích cực và chủ động chống phá càn nhỏ, phát triển chiến tranh du kích; mở rộng các khu du kích, củng cố thế liên hoàn giữa các khu du kích của huyện, chú trọng vùng đông giáo dân, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân chống áp bức bóc lột; vận động lính ngụy bỏ ngũ trở về, phát triển phong trào đào ngũ, đòi giải ngũ, đẩy mạnh phong trào đòi chồng con, chống bắt lính, tích cực chống khối ngụy binh; củng cố bộ đội địa phương tỉnh, huyện, du kích các vùng tự do và tạm chiếm; sẵn sàng phục vụ mọi yêu cầu của Đảng trong nhiệm vụ Đông Xuân 1953-1954, bảo đảm cho chiến trường chính đánh thắng; tích cực vận động tòng quân, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đẩy mạnh công tác tài chính, tiết kiệm.

Hiện vật phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. 

Thiết thực góp phần tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Tỉnh đội Ninh Bình cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình động viên, tổ chức và chỉ đạo quân, dân trong tỉnh dồn sức thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng lúc này. Ra sức phục vụ tiền tuyến chiến thắng và tận dụng thời cơ tướng tá Pháp-Mỹ cùng hầu hết quân cơ động của chúng đang tập trung vào chiến trường Điện Biên Phủ, tích cực tiến công các sắc lính địa phương của địch, giải phóng quê hương. Đến đầu năm 1954, số lượng và chủng loại phương tiện vận tải phục vụ kháng chiến trong tỉnh và phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ tăng gấp rưỡi các năm trước, bao gồm hơn 500 chiếc thuyền nan, thuyền gỗ lớn nhỏ, hơn 400 xe bò, xe ngựa, hơn 200 xe đạp thồ, 3 xe ô-tô tải hàng và rất nhiều xe ba gác. Dọc tuyến đường Chi Nê-Bãi Khoai Hòa Bình-Suối Rút, lực lượng vận tải bằng xe bò, xe ngựa, xe đạp thồ cùng hoà với các đoàn vận tải thuộc các địa phương khác đi về, ngược xuôi dồn dập trong suốt thời gian chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hàng chục nghìn dân công Ninh Bình được động viên, tổ chức đi phục vụ chiến dịch, ngày đêm gánh gạo, mang vác vũ khí, đạn dược, thuốc men lên Điện Biên Phủ tiếp tế cho bộ đội...

Phong trào tòng quân diễn ra sôi nổi, hàng nghìn thanh niên địa phương hừng hực lên đường ra mặt trận. Từ tháng 2 đến tháng 4/1954, toàn tỉnh có 3.716 thanh niên nhập ngũ; trong đó, có 1.800 người được bổ sung vào các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ, 950 người vào bộ đội chủ lực Liên khu và 966 người vào bộ đội địa phương tỉnh, huyện. Vừa dốc sức phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Ninh Bình vừa tận dụng thời cơ quân ta đánh lớn, thắng lớn ở mặt trận Điện Biên Phủ và ở mặt trận vùng sau lưng địch, liên tục tiến công làm thất bại mọi cố gắng cuối cùng của địch trên địa bàn của tỉnh. Tháng 4/1954, bộ đội địa phương và dân quân du kích trong tỉnh đánh địch nhiều trận, diệt 121 tên, phá hủy 5 xe tăng, 17 xe cam nhông, 6 khẩu pháo và súng máy.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của toàn dân tộc chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Ninh Bình có hơn 7 năm (từ 23/3/1947-30/6/1954) trở thành chiến trường nóng bỏng, đọ sức quyết liệt giữa ta và địch. Quân và dân Ninh Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn kết đứng lên chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh hơn 3.283 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 11.743 tên địch, gọi ra hàng 506 lính Âu-Phi và 7.046 lính ngụy, bắt 2.537 tên, thu 2.353 súng các loại, 32 xe quân sự và phá hủy 300 xe cơ giới. Mặt khác, quân và dân Ninh Bình trực tiếp phục vụ bộ đội chủ lực tiến hành 3 chiến dịch đánh địch tại địa phương (Vạn Thắng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung) và tham gia tích cực phục vụ 3 chiến dịch tiến công địch trên chiến trường Hòa Bình, Tây Bắc và Điện Biên Phủ lịch sử. Ninh Bình huy động 129.828 lượt người đi dân công phục vụ chiến dịch thời gian ngắn và dài hạn.

Trong quá trình chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quân và dân Ninh Bình được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó lực lượng vũ trang địa phương được thưởng 65 Huân chương Quân công, Chiến công; 1.446 Huân chương Chiến thắng các loại; 1 chiến sĩ thi đua toàn quân, 43 chiến sĩ thi đua Liên khu và tỉnh. Đặc biệt, có 1 huyện, 25 xã và 2 cá nhân sau này được Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (thời kỳ chống Pháp).

                                                                     Trần Ngọc – Hồng Nam