Trận chống càn của du kích xã Nguyên Xá - Bài học về chủ trương xây dựng “làng chiến đấu” như một pháo đài chống giặc

Thứ sáu, 22/03/2024 - 13:54

Cuối năm 1953 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, quân Pháp lâm vào thế bị vây hãm, bị động, lúng túng. Bộ chỉ huy Pháp đã phải tập trung lực lượng cơ động trên dưới 20.000 quân mở hai cuộc hành quân lớn Buyp phlơ bíp (11-1953) và Giéc phô (12- 1953) nhưng vẫn không giãn được chủ lực của ta và giải vây cho các đồn bốt bị vây hãm, trong khi đó chúng phải rút lực lượng cơ động để tăng cường cho các chiến trường khác, chúng để lại binh đoàn cơ động số 8 và một số đơn vị binh chủng hỗ trợ cho quân chiếm đóng ở Thái Bình.

Làng kháng chiến Nguyên Xá (còn gọi là làng Nguyễn) nằm sát đường 10, gần cầu Nguyễn đã từng làm cho địch nhiều phen khiếp vía, là mối đe dọa an toàn của địch trên tuyến giao thông này. Vì vậy, Nguyên Xá là một trong những trọng điểm mà binh đoàn cơ động số 8 của địch tập trung lực lượng đánh phá.

Giáo dục truyền thống cho học sinh về chiến thắng của Du kích làng Nguyên Xá trong kháng chiến chống Pháp

Chiều ngày 20- 2-1954, địch cho một tiểu đội từ cánh đồng đi theo đường trục của xã Nguyên Xá đánh thăm dò vào xóm Nguyễn Trãi. Tại đây địch vấp phải mìn của ta lại bị du kích Nguyễn Trãi nổ súng tiến công, chúng bỏ chạy mang theo ba xác chết. 4 giờ ngày 21-2, địch dùng hỏa lực pháo binh từ nhiều hướng bắn dồn dập vào làng. Sau đó chúng cho một trung đội chia thành hai mũi, một mũi từ đường trục trong xã đánh vào Lê Lai, một mũi từ đường 10 đi tắt cánh đồng đánh vào xóm Nguyễn Trãi.

Thôn đội trưởng thôn Đông Khê Nguyễn Trọng Thế cử một tổ 5 đồng chí do Trung đội phó Nguyễn Công Quý chỉ huy ra đánh nhử địch vào sâu để tiêu diệt, vừa vấp phải sức tiến công của du kích lại nghe thấy tiếng trung liên nổ địch bắn trả một hồi rồi bỏ chạy.

Tối ngày 21-2, tại đình Thượng chi bộ Nguyên Xá họp quyết định những biện pháp chính nhằm đối phó với địch. Thực hiện Nghị quyết chi bộ xã đội trưởng Nguyễn Ngọc Hồ cho bố trí thêm các bãi mìn, đạp lôi tại các trục đường nơi dự kiến địch sẽ vào, nơi địch có thể tập trung quân, đồng thời bố trí lại lực lượng phù hợp với ý định chiến đấu. Hai thôn Đông Khê và Bắc Lạng mỗi thôn để lại một tiểu đội du kích cầm cự nhử địch vào bãi chông, mìn, còn đại bộ phận du kích 2 thôn này kết hợp với lực lượng chủ lực xã bố trí bên ngoài các thôn lân cận.

Sáng ngày 22 – 2, địch thay đổi đường tiến quân, chúng cho hai đại đội chia làm hai mũi: Mũi 1 theo trục đường làng đánh vào thôn Bắc Lạng, mũi 2 từ đường 10 tắt cánh đồng đánh vào thôn Đông Khê. Ta vẫn dùng cách đánh quen thuộc: Lúc đầu lực lượng du kích trong làng nổ súng nhử địch vào bãi chông, mìn, khi địch đã sa vào trận địa cạm bẫy thì lực lượng vòng ngoài nổ súng tiêu diệt địch. Đợt chiến đấu này địch chết và bị thương gần 30 tên, bọn còn sống sót hốt hoảng tháo chạy.

01 giờ ngày 23-2, địch cho một đại đội lợi dụng đêm tối từ đường 10 tắt cánh đồng bí mật bao vây thôn Đà Giang, một đại đội tiến đánh Đông Khê, còn phần lớn lực lượng bí mật vu hồi hướng Nam Ninh. Tất cả các hướng bộ binh và pháo binh địch thi nhau bắn tới tấp vào trong làng. Để tránh thương vong, xã đội trưởng lệnh cho bộ phận lớn rút ra hướng thôn Nam Ninh tổ chức đánh vào phía sau địch. Bộ phận này vừa ra đến cổng làng thì gặp mũi vu hồi của địch. Theo sự hiệp đồng từ trước mũi trong làng đánh ra, lực lượng ngoài làng bên thôn Phạm đánh vào. Đội hình địch càng rối loạn nhiều tên phải lao bừa xuống ruộng lầy, nắm đúng thời cơ một bộ phận du kích xông ra dùng dao, mác, mã tấu chém địch. Địch bị thương vong khá nhiều, vội vã tháo chạy. Sau khi rút lui, chúng gọi pháo binh bắn phá vào làng.

4 giờ ngày 24-2 địch tập trung hơn 2.000 quân có pháo binh, xe tăng yểm trợ tiến công theo hai hướng. Đại bộ phận chia làm nhiều mũi nhỏ, dàn quân từ đường 10, đường 39, Đông Khê, Bắc Lạng tiến đánh; bộ phận còn lại vòng phía sau qua thôn Phạm, thôn Cốc thọc sườn vào Nam Ninh.

Tổ du kích của ta gồm 12 người dưới sự chỉ huy của chính trị viên Tuyến và xã đội phó Lư chờ địch đến gần, bình tĩnh bắn tỉa từng tên một. Sau khi đã diệt được một số địch theo kế hoạch tổ du kích rút xuống hầm bí mật. Thấy im tiếng súng của du kích, địch thận trọng tiến vào làng, một trung đội địch hò nhau đẩy cổng Phan Thanh, cổng đổ, mìn nổ, 5 tên chết và bị thương. Loay hoay mãi, cuối cùng địch cũng vào được làng, chúng hung hăng đốt phá nhà cửa, đào bới công sự, giật mìn phá đình, chùa, miếu mạo, vơ vét của cải. Nhưng đi đến đâu chúng cũng thụt hầm chông, vấp mìn nổ hoặc bị du kích ta ở bên ngoài bắn tỉa.

Quân và dân Nguyên Xá đã anh dũng đánh thắng cuộc càn quét 5 ngày đêm của hơn 2.000 quân địch thuộc binh đoàn cơ động số 8, đa số là lính Âu - Phi được máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ, ta đã diệt gần 100 tên địch, có một đồng chí hy sinh, ba đồng chí bị thương. Sau trận đánh quân và dân Nguyên Xá được Hồ Chủ tịch tặng thưởng lá cờ “Nguyên Xá làng kiểu mẫu”.

Trận chống càn thắng lợi của du kích và nhân dân Nguyên Xá đã chứng minh chủ trương xây dựng làng chiến đấu của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, mỗi làng chiến đấu như Nguyên Xá thực sự là một pháo đài chống giặc, dựa vào lực lượng bản thân và thế trận đã chuẩn bị sẵn có thể cản phá nhiều đợt tiến công của quân địch được trang bị vũ khí hiện đại, làm thất bại âm mưu càn quét của chúng bảo vệ xóm làng.