Trận tập kích sân bay Cát Bi - Điển hình về cách đánh dùng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ đánh vào căn cứ nằm sâu trong hậu phương địch

Thứ hai, 01/04/2024 - 10:30

Sân bay Cát Bi nằm sâu trong vùng địch chiếm đóng thuộc huyện An Hải, tỉnh Kiến An, diện tích 9,3 km². Xung quanh sân bay, địch tạo thành một vành đai trắng rộng hàng trăm mét, ta muốn đưa lực lượng vào tiến công sân bay thì phải vượt qua nhiều sông ngòi nơi dân cư thưa thớt, khó trụ lại sau trận đánh mà đánh xong phải rút nhanh về căn cứ trước lúc trời sáng để bảo đảm an toàn.

Sân bay Cát Bi là một trong những sân bay lớn nhất của địch ở Đông Dương, có tầm quan trọng chiến lược nên được thiết kế hiện đại và bố phòng bảo mật nghiêm ngặt. Tháng 1 năm 1954, sân bay Đồ Sơn bị ta tiến công nên địch càng tăng cường lực lượng để bảo vệ an toàn cho sân bay Cát Bi cả bên trong cũng như vành đai bên ngoài sân bay, nhằm ngăn chặn ta từ xa. Lực lượng bảo vệ sân bay có khoảng 3.000 tên, gồm 6 tiểu đoàn, trong đó có 3 tiểu đoàn Bắc Phi, 01 tiểu đoàn Lê Dương, 01 tiểu đoàn ngụy, 01 tiểu đoàn công binh và đại đội tham mưu chỉ huy sân bay. Ngoài ra còn có hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ và 50 cố vấn quân sự Mỹ. Với hệ thống bố phòng bảo vệ nghiêm ngặt, lực lượng lớn, địch chủ quan cho rằng quân ta không thể đưa lực lượng bí mật vào đánh sân bay.

Chấp hành chủ trương của Tổng Quân ủy và mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, khu Tả Ngạn chỉ thị cho tỉnh đội Kiến An tổ chức một trận tập kích vào sân bay Cát Bi, phá hủy một lượng lớn máy bay địch để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, làm cản trở sự chi viện đường không của địch cho các mặt trận, gây hoang mang trong binh lính, sĩ quan địch; đồng thời thúc đẩy chiến tranh du kích của ta trong vùng địch tạm chiến.

Máy bay Pháp bị phá hủy trong trận đánh Cát Bi rực lửa năm 1954- Ảnh tư liệu

Lực lượng chiến đấu của ta gồm 32 người được chọn lọc từ các đơn vị tập trung của tỉnh đội gồm: Đại đội 295, đội quân báo 208,… tổ chức thành một đội chiến đấu do đồng chí Minh Khánh (tức Lê Thừa Giao), Trưởng ban Tác chiến tỉnh đội chỉ huy. Do mục tiêu tiến công nằm sâu trong vùng địch chiếm đóng, cơ sở Đảng và quần chúng ở vùng xung quanh sân bay hầu như “trắng”, địch tổ chức phòng tuyến ngăn chặn từ xa và có khả năng chi viện ứng cứu nhanh nên việc bảo đảm cho trận đánh phải rất tỉ mỉ, đầy đủ và chu đáo về mọi mặt.

18 giờ ngày 05 tháng 03 năm 1954, đơn vị tập kích sân bay gồm 32 người xuất phát từ Chữ Khê, Hùng Thắng, Tiên Lãng. Toàn đội vượt qua sông Văn Úc bằng thuyền qua đò Dương Áo sang Tân Trào, Cổ Trại bơi qua sông Đa Độ sang Minh Tân, Tân Phong đến tập kết giấu quân ở Hợp Lễ, Hòa Nghĩa thuộc xã Hòa Nghĩa.

19 giờ 45 ngày 6 tháng 3, bộ đội hành quân từ Hòa Nghĩa qua Quan He, đường 14, vượt qua sông Lạch Tray, lội qua bãi lầy, men theo đường vòng dài hơn 10 km trong đêm tối và gió lạnh. Đến 0 giờ ngày 7 tháng 3 năm 1954, mũi 1 do đồng chí Minh Khánh chỉ huy đã vào trong sân bay bí mật ém quân gần đường băng cách khu máy bay đỗ 50m, sẵn sàng nổ súng, mũi 2 do đồng chí Đỗ Tất Yến chỉ huy đã vượt qua hàng rào thứ 5 thì gặp một hồ nước rộng, sâu, bèo tốt không thể lội qua hoặc vòng qua được. Lúc ấy đã sắp đến giờ nổ súng, đồng chí Yến đắn đo định cho nổ súng báo hiệu cho mũi 1 cứ đánh, nhưng các đồng chí quân báo dẫn đường đề nghị không nổ súng, mà quay lại đi theo đường của mũi 1 vào sân bay để cùng đánh.

0 gờ 45 ngày 7 tháng 3, cả hai mũi đã triển khai xong, tất cả thành hàng ngang đối diện với đường băng nơi máy bay đỗ. Theo hiệu lệnh tiến công, các chiến sĩ dũng cảm xông vào khu đỗ máy bay, móc bộc phá, giật nụ xòe phá hủy từng chiếc một. Hàng loạt tiếng nổ làm chấn động cả một vùng, lửa cháy sáng rực trời. Càng về sau tiếng nổ càng dữ dội, tung lên thành những cột lửa và cháy lan sang những mục tiêu bên cạnh, tạo thành một đường lửa dài theo đường băng máy bay đỗ. Các chiến sĩ vừa đánh vừa hô xung phong, uy hiếp địch, thừa thắng đánh hết mục tiêu này đến mục tiêu khác. Cuộc chiến đấu diễn ra trong 15 phút, sau đó các mũi nhanh chóng rút theo đường đã được dải vải trắng để đánh dấu đường ra.

Địch bị tiến công bất ngờ, bàng hoàng phản ứng chậm chạp. Khi ta rút ra khỏi hàng rào cuối cùng, chúng mới tập trung hỏa lực phòng không từ các tháp canh bắn loạn xạ lên trời. Sân bay Cát Bi cháy suốt 17 tiếng đồng hồ mới dập tắt được. Kết quả ta đã diệt 6 lính Âu Phi, phá hủy 59 máy bay.

Trận đánh có ý nghĩa to lớn góp phần phát triển chiến tranh du kích trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường Điện Biên Phủ và các mặt trận khác giành thắng lợi. Trận đánh tập kích sân bay Cát Bi là một điển hình về cách đánh lấy ít thắng nhiều, dùng lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ đánh vào những căn cứ nằm sâu trong hậu phương địch, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Với cách đánh này ta không những tiêu diệt được những sinh lực cao cấp, phương tiện chiến tranh quý hiếm của địch mà còn khiến cho địch hoang mang, rối loạn, không biết đâu là nơi an toàn, không còn cách nào để tránh khỏi bị tiêu diệt. Nhận được báo cáo về kết quả trận đánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen và tặng danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi” cho các chiến sĩ tham gia trận đánh này.

BBT (tổng hợp)