Châu Âu 2023

Thứ tư, 27/12/2023 - 09:38

Trong tốp 10 nước giàu nhất thế giới (dựa trên GDP bình quân đầu người) vừa được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố, các quốc gia châu Âu vẫn chiếm quá bán, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực đã chậm lại đáng kể trong năm 2023. Tuy nhiên, sự sụt giảm vai trò, vị thế, cùng những tồn đọng dai dẳng vẫn đeo bám khu vực này.

Châu Âu năm 2023 được vây quanh bởi những bất ổn hiện hữu. Ở phía Đông, cuộc xung đột Nga-Ukraine không có tiến triển tích cực, nếu không nói là ngược lại, khi các hoạt động viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây cho Ukraine đang lâm vào bế tắc. Tại khu vực Kavkaz, cuộc xung đột âm ỉ kinh niên ở vùng đất Nagorno-Karabakh đột ngột bùng phát với diễn biến gây bất ngờ cho tất cả các bên liên quan. Đây là điều châu Âu đặc biệt quan tâm, bởi lẽ bất kỳ động thái xung đột nào giữa Armenia và Azerbaijan đều có thể dẫn đến thiệt hại đối với đường ống dẫn dầu hiện có, làm gián đoạn dòng nhiên liệu đến châu Âu, khiến các công ty châu Âu thiệt hại hàng tỷ euro và quan trọng hơn, tác động tức thì tới an ninh năng lượng của châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (bên trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 7-2023.

Trước hàng loạt điểm nóng thế giới, gồm xung đột Israel-Hamas, nội chiến ở Sudan, bạo lực ở Ethiopia, làn sóng người tị nạn liên tiếp ập vào các quốc gia cửa ngõ... những phản ứng mờ nhạt, yếu ớt của châu Âu đối với các vấn đề cấp bách toàn cầu từng bước âm thầm làm xói mòn vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng của lục địa này. Thay vì xắn tay tích cực tham gia như một đại diện có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, dường như châu Âu đang nỗ lực đắp lên những “thành trì” ngăn mình với thế giới hỗn mang bên ngoài.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius (Litva) hồi tháng 7, liên minh quân sự giữa Mỹ, Canada với nhiều nước châu Âu tiếp tục củng cố sườn phía Đông NATO, thông qua các quyết định tăng ngân sách, năng lực, sự hiện diện quân sự tại đây. 

Ở một khía cạnh khác, sự mắc kẹt của châu Âu trong bất đồng nội bộ về chính sách di cư đẩy hàng nghìn người tị nạn hoặc rơi vào tay những kẻ buôn người, hoặc lâm vào thảm cảnh đắm tàu, hoặc trôi dạt trên những con thuyền mong manh bất định ngoài khơi biển Địa Trung Hải. Để ngăn chặn làn sóng tị nạn, châu Âu đã ký một số thỏa thuận hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ (thuyết phục Ankara tiếp nhận lại người di cư đã vào EU qua Hy Lạp), với Tunisia (giúp ngăn dòng người di cư từ Bắc Phi tới Italy), để đổi lấy hàng tỷ euro viện trợ và tự do hóa thị thực.

Trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas chưa đi đến hồi kết, không có khả năng tác động đến cục diện chiến sự, điều duy nhất châu Âu có thể làm là đổ thêm tiền hỗ trợ Ai Cập-quốc gia có phần lớn lãnh thổ nằm ở khu vực Bắc Phi, là trụ cột quan trọng giúp bảo vệ “Pháo đài châu Âu” trước làn sóng người di cư-nay đang đóng vai trò tiền tuyến trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở dải Gaza.

Tất cả chỉ cho thấy một điều, châu Âu đang trả tiền cho các quốc gia bên rìa, nhằm ngăn chặn, bảo vệ lục địa này khỏi tình trạng hỗn loạn và bất ổn của thế giới.

Thế nhưng, “người tính không bằng trời tính”, gã khổng lồ châu Âu giàu tiềm lực tài chính nhưng “ốm yếu” về vị thế có lẽ chưa hành động đủ để lấy lại vai trò, ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, ít nhất là trong tương lai gần. Khả năng kháng cự của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga đang phụ thuộc vào sự hỗ trợ của “ông lớn” Mỹ, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đã cạn kiệt kho vũ khí, còn không đủ để tự lo cho mình. Tâm lý chống người nhập cư gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến tương lai các thỏa thuận đạt được với châu Âu trở nên mong manh. Nguy cơ về một cuộc xung đột mới giữa Azerbaijan và Armenia có thể khiến hành động cân bằng của châu Âu ở vùng Kavkaz trở nên không thể đứng vững. “Thành trì” Ai Cập cũng đang suy yếu trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát tăng vọt, nợ nước ngoài gia tăng, cửa khẩu Rafah mong manh trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.

Hơn ai hết, các chính trị gia châu Âu nhận thức rõ, vai trò nhạt nhòa trong năm qua là kết cục của những sai lầm cơ bản trong chính sách đối ngoại. Có lẽ chưa khi nào, châu Âu lại “lép vế” đến thế trước cái bóng của “ông lớn” Mỹ. Bất chấp quy mô và sự giàu có của mình, tham vọng của châu Âu giờ đây chỉ thu hẹp lại với một thị trường chung, một liên minh thuế quan, một chính sách nông nghiệp. Quyền lực của châu Âu, có chăng, chỉ thể hiện bằng nỗ lực thông qua gói trừng phạt thứ 12 áp dụng với Nga. Éo le thay, các lệnh trừng phạt rốt cục lại gây tổn hại cho châu Âu nhiều hơn là cho Nga (theo báo cáo của IMF, năm 2023, Nga có mức tăng trưởng cao hơn cả Đức, Pháp, Italy và Anh).

Sự chia rẽ nội bộ trong việc mở rộng EU; tranh cãi về chi phí tái thiết khổng lồ sau chiến tranh cho Kiev; cuộc khủng hoảng người di cư; nỗ lực chuyển hướng và giành lại thế chủ động trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong ngành công nghiệp bán dẫn và xe điện... Tất cả bộn bề chưa được giải quyết đang tiếp tục chờ đón châu Âu ở phía trước.  

Theo QĐND