Chùa Vãng và chuyện về một nhà sư liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp
Thứ ba, 12/03/2024 - 19:12
Nằm giữa cánh đồng quê yên ả của phường Cộng Hòa (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có một ngôi cổ tự là chùa Vãng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tấm lòng yêu nước, Thượng tọa Thích Quang Tâm, Trụ trì chùa Vãng đã giúp đỡ các chiến sĩ Việt Minh náu mình, phát triển phong trào yêu nước tại tỉnh lỵ Quảng Yên. Trong một trận càn, vì không lùng bắt được các chiến sĩ cách mạng, quân Pháp đã trút giận, xử bắn Thượng tọa Thích Quang Tâm ngay tại sân chùa.
Theo ghi chép truyền lại, Chùa Vãng được xây dựng vào thời hậu Lê, cách đây hơn 300 năm, thờ Phật và thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo. Chùa nằm sâu trong làng, giữa một khu đồi bạch đàn của phường Cộng Hòa ngày nay. Đại đức Thích Thanh Dương, Trụ trì hiện nay của chùa Vãng cho biết: “Ngôi chùa hiện nay được xây dựng mới trên nền chùa cũ từ đầu những năm 1990, khi ấy các cụ cao niên trong làng đi vận động quyên góp vất vả lắm vì đời sống người dân còn nhiều khó khăn, những định kiến về chùa chiền gắn với văn hoá cũ, mê tín dị đoan vẫn hằn sâu. Chùa làm được như thế này cũng là cố gắng lắm rồi!”.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) trao bằng truy tặng “Huy chương Kháng chiến hạng Nhất” của Thượng tọa, Liệt sĩ Thích Quang Tâm cho đại diện chùa Vãng.
Tục truyền rằng, chùa từng xây mấy lần cũng ở trên quả đồi này nhưng vì “làng chưa yên” nên lại di chuyển. Dấu tích còn lại của những công trình ấy là các chân tảng kê cột, gạch ngói rải rác khá nhiều trong khuôn viên vườn chùa. Vị trí chùa hiện nay được xây trên nền công trình cũ khi đã làm lại lần thứ ba nhưng kiến trúc gỗ kiểu truyền thống thì không còn lưu giữ được như xưa, hiện vật cũng chỉ còn một số đồ thờ tự... Đặc biệt, ở ngôi đền nhỏ nằm ngay cạnh chùa vẫn còn lưu giữ được một sắc phong gốc từ thời vua Tự Đức (năm 1853) sắc phong cho Quảng Hậu chính trực Bảo hộ chi thần.
Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, tỉnh lỵ Quảng Yên (thị xã Quảng Yên ngày nay) được chúng xây dựng trở thành trung tâm hành chính và công nghiệp trọng yếu ở vùng Đông Bắc. Để thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, chùa Vãng là nơi các chiến sĩ Việt Minh của ta thường náu mình. Được sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của sư trụ trì khi đó là Thượng tọa Thích Quang Tâm, chùa Vãng trở thành nơi tiếp nhận “hũ gạo kháng chiến”, nấu cơm nắm, mua thuốc và các nhu yếu phẩm để chuyển về căn cứ, cất giữ tài liệu để phục vụ cách mạng.
Sau nhiều lần truy quét, lùng sục với mạng lưới mật thám dày đặc, quân Pháp tại Quảng Yên biết chùa Vãng là một trong những căn cứ của Việt Minh. Ngày 8/2/1948, quân Pháp tổ chức càn quét vào làng Quỳnh Lâu. Phát hiện quân địch, Thượng tọa Thích Quang Tâm chỉ vội báo hiệu cho cán bộ Việt Minh rút ra ngoài mà không kịp giấu tập truyền đơn, lá cờ đỏ sao vàng. Phát hiện cờ và truyền đơn của Việt Minh, quân Pháp đưa Thượng tọa Thích Quang Tâm ra sân chùa tra khảo và dùng mọi nhục hình tra tấn nhưng không đạt được mục đích. Do đó, tên chỉ huy người Pháp đã rút súng bắn thẳng vào ngực Thượng tọa Thích Quang Tâm và cấm người dân đưa đi mai táng. Khi giặc rút lui, nhân dân quanh khu vực mới bí mật chôn cất nhà sư ngay tại khuôn viên vườn Chùa.
Để thể hiện sự tôn vinh, tri ân của Đảng và Nhà nước trước sự hy sinh anh dũng của nhà sư Thích Quang Tâm, ngày 14/3/2018 Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Thượng tọa, Liệt sĩ Thích Quang Tâm “Huy chương kháng chiến hạng Nhất”. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương cùng quyên góp để xây dựng Vĩnh Linh bảo tháp tại nơi chôn cất di hài Thượng tọa Thích Quang Tâm trong khuôn viên chùa.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Vãng cùng Vĩnh Linh bảo tháp trở thành nơi sinh hoạt tâm linh thân thuộc và là một trong những “địa chỉ đỏ” ghi dấu tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm của Thượng tọa Thích Quang Tâm cùng các chiến sĩ Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Phạm Quyết