Người đã 4 lần viết đơn bằng máu để được lên đường ra mặt trận
Thứ hai, 30/09/2024 - 12:34
“Khi bóng quân thù không còn, thì tôi mới trở về quê hương” đó là câu cuối cùng trong 04 lá đơn xung phong nhập ngũ được viết bằng máu của thương binh Bùi Trung Thông (sinh năm 1955, ở Đội 6, thôn Phương La, xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Với một quyết tâm sôi sục trong lòng là được lên đường nhập ngũ, ra trận đánh giặc bảo vệ Tổ quốc, góp phần tô thắm thêm trang sử vàng truyền thống của quê hương.
Thương binh Bùi Trung Thông (ngồi bên phải) ôn lại kỷ niệm một thời với cán bộ
Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương
Trong căn phòng khách chưa tới 20m2 của gia đình thương binh Bùi Trung Thông, trên 4 bức tường có rất nhiều tấm Huân, Huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công, bằng khen, giấy khen của ông và các thành viên trong gia đình được Đảng, Nhà nước ghi nhận khi tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước làm chúng tôi thật sự khâm phục, biết ơn và tri ân sâu sắc.
Cách đây gần 53 năm, năm 1971, chàng thiếu niên yêu nước Bùi Trung Thông khi đó mới học lớp 9 (hệ 10/10), chứng kiến và nghe trên đài phát thanh thông tin về đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, đánh phá tàn khốc ở niềm Nam, nhân dân ta bị giặc bắt, đàn áp, tra tấn dã man, giết chết. Anh trai của Bùi Trung Thông cũng đã hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bố đẻ 03 lần bị bắt, tù đày ở Phú Quốc, do đó thiếu niên Bùi Trung Thông quyết tâm phải lên đường nhập ngũ để được ra mặt trận. Thương binh Bùi Trung Thông nhớ lại “Thời điểm đó, ngày nào chúng tôi cũng nghe thấy tiếng khóc, giấy báo tử, nghe thông tin về tình hình chiến trường, trong tôi dâng trào một cảm xúc hừng hực khí thế với mong muốn tột cùng phải lên đường nhập ngũ, phải ra trận để chiến đấu. Dù biết mình chưa đủ tuổi còn phải học tập, lại có anh trai mới hi sinh, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm đơn bằng máu để thỏa ước nguyện cầm súng trên tay ra chiến trường tiêu diệt kẻ thù”.
Dù thuộc diện được miễn nhập ngũ, nhưng vào tháng 11/1971, trong cái rét cắt da cắt thịt, ông đã tự chích máu ở ngón tay trỏ (bàn tay trái) của mình để viết đơn xung phong được nhập ngũ, nhưng lần đó đã không được chấp nhận. Sau đó hơn 1 tháng, vào giữa tháng 12/1971, ông lại tiếp tục viết đơn bằng máu lần thứ 2 và kết quả cũng như lần đầu. Nhưng mãi đến ngày 12/01/1972, khi ông viết đơn xung phong nhập ngũ bằng máu lần thứ 3 mới được cấp trên đồng ý nhập ngũ và biên chế vào b2, c1, tiểu đoàn Trần Hưng Đạo, Quân khu Tả Ngạn, tham gia huấn luyện tại đây gần 7 tháng. Sau huấn luyện, ông thuộc diện được đơn vị cho đi học ở phía Bắc, tuy nhiên, với quyết tâm phải được ra trận, được cầm súng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu với kẻ thù, lần thứ 4, ông lại chích máu ở tay của mình viết đơn để được ra trận và cấp trên đã chấp thuận. Khi đó, ông là Hạ sĩ, Trung đội Phó, Đơn vị A5, BT14, Binh đoàn Trường Sơn, đường 559, Quảng Trị.
Được ra trận chiến đấu với kẻ thù, ông cùng đồng đội đã đi bộ hàng nghìn km từ Bắc vào Nam, trải qua nhiều trận chiến ác liệt với kẻ thù trên chiến trường Quảng Trị, Đông Nam Bộ như trận Cồn Tiên, Dốc Miếu ở Quảng Trị; đánh cầu Cần Đăng, suối Ngô, trên lộ 22 Tây Ninh - căn cứ Tống Lê Chân; đánh chống càn do quân Sư đoàn 21, Sư đoàn 9 ngụy, thám báo, bảo an và giải phóng nhiều vùng cách mạng. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, nhiều lần ông bị thương, đến tháng 02/1981, do các vết thương nặng tái phát, ông đã được xuất ngũ về địa phương, là thương binh hạng ¼.
Ghi nhận công lao, chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thương binh Bùi Trung Thông đã được các cấp tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương như Huân chương kháng chiến hạng 3; Huy chương chiến sĩ giải phóng; Huân chương chiến công giải phóng; Văn phòng cơ quan đại diện Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tặng bảng vàng vì có tấm lòng vàng đóng góp vào sự nghiệp “tri ân liệt sĩ” và nhiều bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào cựu chiến binh và các phong trào khác của địa phương được các cấp biểu dương, khen thưởng.
Trở về địa phương sau khi xuất ngũ, với 17 mảnh đạn nằm trong đầu không thể phẫu thuật, sức khỏe yếu, nhưng phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương và được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Chế (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) cho biết: Cựu chiến binh Bùi Trung Thông đã tham gia nhiều trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi trở về địa phương, tuy sức khỏe yếu nhưng đồng chí vẫn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội Cựu chiến binh và địa phương; đồng chí có lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, là một cựu chiến binh gương mẫu, ý trí nghị lực luôn tỏa sáng mà hội viên cựu chiến binh trong xã học tập và noi theo”
Công Trường