Việt Nam là hình mẫu ngoại giao quốc tế

Thứ năm, 22/02/2024 - 15:51

Nhiều nhà ngoại giao, các cơ quan báo chí và học giả quốc tế nhận định, năm 2023 đánh dấu một năm rất thành công của ngoại giao Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong cùng một năm đã đón tiếp nguyên thủ của hai cường quốc hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Mỹ. Những thành công đó bắt nguồn từ đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, với trường phái “ngoại giao cây tre” và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

1. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam tiếp tục duy trì môi trường chính trị ổn định trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, với sự bùng phát các xung đột quân sự, khủng hoảng di cư, khủng hoảng nhân khẩu học, tranh chấp thương mại và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuyên gia quan hệ quốc tế của Liên bang Nga Grigory Trofimchuk nhận định, vượt qua những khó khăn, thách thức, Việt Nam đã có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục khi tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 5,05%. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí 32 trong số 100 thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới. Lực lượng lao động chuyên nghiệp của nước này là một trong những yếu tố hấp dẫn thu hút các công ty sản xuất hàng đầu thế giới.

Ông Trofimchuk nhấn mạnh, vị thế cân bằng của Hà Nội trong quan hệ chính trị quốc tế đang trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia. Hà Nội có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước lớn: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ. Đối với các nước trong không gian hậu Xô viết và Á-Âu nói chung, tất cả đều mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam.

Đáng chú ý, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối năm 2023 không chỉ trở thành biểu tượng sống động cho quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, trở thành một hình mẫu ngoại giao điển hình. Trước đó, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho thấy, không chỉ quan hệ Việt-Mỹ ngày càng được nâng cao mà đây còn là sự thừa nhận vị thế quan trọng của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

2. Theo nhà báo, học giả Gastón Fiorda, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á của Đài Phát thanh Quốc gia Argentina (RNA), trong lịch sử 94 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và tài năng thích ứng linh hoạt trước mọi thách thức của thời đại.

Sau 6 năm trở lại làm việc tại Việt Nam, nhà báo Fiorda vô cùng ấn tượng trước những thành tựu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng cũng như các khu đô thị hiện đại, cuộc sống người dân được cải thiện đáng kể với tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều hơn, một thế hệ trẻ đầy khát vọng, được hòa nhập xã hội với đầy đủ điều kiện để phát triển, thể hiện tài năng của mình. Đây là những thành quả có được nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo dựng một xã hội ổn định về chính trị, với các chính sách và chương trình phát triển dài hạn.

Không chỉ trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam còn thể hiện rõ trong đời sống văn hóa-xã hội. Hơn 100 triệu dân với các giá trị văn hóa như tôn sư trọng đạo, kính trọng người lớn tuổi, tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo, mỗi công dân có quyền phát triển hết năng lực của mình, được thể hiện rõ nét trong cuộc sống thường nhật ở Việt Nam.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn, học giả Fiorda khẳng định: Giá trị đặc sắc của trường phái “ngoại giao cây tre” đã mang lại cho Việt Nam vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam đã “uyển chuyển” và “tận dụng tối đa” quan hệ với các nước lớn và với thế giới, tạo nên sự cân bằng chiến lược trong các mối quan hệ đó, trên cơ sở luôn tôn trọng độc lập và quyền tự quyết dân tộc. Việt Nam đã thể hiện tính thực tế, sự hiểu biết và khả năng thích ứng của mình để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc đổi mới, bảo vệ và nâng cao vị thế đất nước.

3. Tổng thư ký Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam Pedro De Oliveira-người có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam-luôn đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước, cũng như thành tựu ngoại giao của Việt Nam trong những năm gần đây.

Ông luôn ấn tượng với tinh thần và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, những đặc tính mềm dẻo, sáng tạo nhưng dũng cảm, kiên cường, bất khuất trước mọi khó khăn, vì độc lập, tự do và hạnh phúc. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Trong ngoại giao đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức và diễn đàn quốc tế lớn như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO.

Chuyên gia Oliveira khẳng định, công tác đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam trong năm 2023 đóng vai trò tiên phong trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc gìn giữ hòa bình và hợp tác phát triển, tiến bộ trên thế giới.

Theo QĐND